Giao lưu trực tuyến: "Đẩy lùi "tín dụng đen", tăng cường tín dụng chính thức":

Tín dụng chính thức - con đường đẩy lùi "tín dụng đen"

Thứ Bảy, 25/12/2021, 11:31

Giao lưu với độc giả Báo CAND, các chuyên gia tài chính và đại diện một số Cục nghiệp vụ Bộ Công an cùng chung quan điểm, một trong những biện pháp hiệu quả góp phần đẩy lùi "tín dụng đen" chính là "tín dụng chính thức" - hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, có pháp nhân rõ ràng, chịu sự giám sát, điều chỉnh bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngày 24/12, Báo CAND phối hợp cùng Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT tổ chức giao lưu trực tuyến "Đẩy lùi "tín dụng đen", tăng cường tín dụng chính thức". Khách mời buổi giao lưu có Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an; Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an; bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó trưởng Phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước và ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT. Về phía Báo CAND có Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng Biên tập; Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng ban Báo Điện tử CAND, cùng đại diện các phòng, ban thuộc Cục Truyền thông CAND, Báo CAND.

Vì sao app vay tiền "tín dụng đen" nở rộ?

Phát biểu tại buổi giao lưu trực tuyến, Đại tá Trần Kim Thẩm cho biết, vấn nạn "tín dụng đen" xuất hiện dưới nhiều hình thức và đã tồn tại dai dẳng từ lâu. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều loại hình cho vay với lãi suất "cắt cổ" xuất hiện trên nền tảng công nghệ số, nổi bật như cho vay qua ứng dụng di động. Nhiều cá nhân, tổ chức tội phạm hoạt động "tín dụng đen" đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tiếp cận người dân gặp khó khăn để cho vay qua những ứng dụng dạng này, biến con nợ thành những "con tin". Nếu nạn nhân không trả đúng hạn, đủ lãi, thì sẽ có rất nhiều hệ lụy, hậu quả: nặng thì bị đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung, đập phá, cưỡng đoạt tài sản; nhẹ thì bị bôi xấu, nhắn tin khủng bố tới số điện thoại bạn bè, người thân trong danh bạ điện thoại…

Trả lời câu hỏi của độc giả Báo CAND về lí do những app "tín dụng đen" vẫn có cơ hội tồn tại trên không gian mạng với đủ chiêu trò PR, dụ dỗ người dân, Đại tá Hoàng Ngọc Bách nêu 2 nguyên nhân. Thứ nhất, công tác kiểm định của những nhà sản xuất, quản lý ứng dụng trên nền tảng di động như Android hay IOS chưa thực sự chặt chẽ hoặc không có cơ chế kiểm tra. "Lý do thứ hai là nhu cầu thực tế của một bộ phận người dân, những người rất cần những khoản tiền nhỏ, dưới 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, như những người yếu thế, lao động, công nhân hay học sinh, sinh viên", Đại tá Hoàng Ngọc Bách nhận định.

Đồng tình với quan điểm trên, Trung tá Đỗ Minh Phương chỉ ra rằng, người lao động, công nhân, sinh viên là nhóm thường xuyên được các đối tượng cho vay hướng tới, vì đây là nhóm có khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức thấp hơn so với các nhóm khác. "Thời gian qua, phần lớn các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" thường nằm ở nhóm này", Trung tá Đỗ Minh Phương phát biểu.

Bà Đặng Thị Thanh Hồng thì đánh giá, đại dịch COVID-19 gần đây đã tác động tiêu cực tới nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành tín dụng, ngân hàng. Cầu tín dụng 2 năm qua giảm sút khi doanh nghiệp gặp khó khăn, như cầu tiêu dùng của người dân giảm sút. Việc tiếp cận giữa khách hàng và các tổ chức tín dụng tại nhiều địa phương đình trệ do giãn cách xã hội. "Trong dịch COVID-19, nhiều người dân gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện của các tổ chức ngân hàng, tài chính nên đã tìm đến "tín dụng đen" của các tổ chức không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép", bà Đặng Thị Thanh Hồng nhận định.

toa-dam.jpg -0
Các vị khách mời trả lời câu hỏi của độc giả Báo CAND tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Phong Sơn.

Lợi ích thấp, hệ lụy khôn cùng

Theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, ứng dụng cho vay tín dụng đã xuất hiện trên thế giới từ lâu, nhưng mới nở rộ ở châu Á trong khoảng một thập niên gần đây, nhất là tại Trung Quốc trong giai đoạn 2013-2014. Phần lớn những ứng dụng cho vay dạng này hợp pháp, nhưng sau đó đã nảy sinh một số hành vi liên quan "tín dụng đen". Khi Trung Quốc siết chặt quy định pháp lý liên quan, không ít đối tượng đã chuyển địa bàn hoạt động sang một số nước lân cận, bao gồm Việt Nam, rồi câu kết với người bản địa thiết lập app cho vay dạng "tín dụng đen".

Đại tá Hoàng Ngọc Bách thông tin, một điểm đáng chú ý của hình thức cho vay "tín dụng đen" là lãi suất và chi phí mà người vay phải chịu. "Khi cho vay, các đối tượng đưa ra mức lãi suất không vượt quá luật, nhưng sau đó lại cộng vào đủ loại phí khác nhau để duy trì app, phí tư vấn... mà nếu cộng dồn vào thì lãi suất lên tới 2-3% một ngày. Khi người vay không trả nợ được đúng hạn, các đối tượng có thể dùng biện pháp đe dọa, như liên hệ với người thân, công khai thông tin cá nhân, hoặc đến tận nhà gây sức ép", Đại tá Hoàng Ngọc Bách nói.

Bổ sung thêm, bà Đặng Thị Thanh Hồng cho biết, thời gian qua, có vụ việc người vay phải trả lãi suất tới 1.700%/năm. Thủ đoạn của các đối tượng là lập những hợp đồng khống trong việc mua bán tài sản gây bất lợi cho "con nợ". Lãi chồng lãi, nhiều người trả gấp vài lần số tiền đã vay nhưng vẫn chưa hết nợ.

Bên cạnh những hệ lụy trên, theo Đại tá Hoàng Ngọc Bách, một yếu tố cần lưu ý khác là, với các ứng dụng cho vay có nguồn gốc không rõ ràng, khi khách hàng đăng ký vay, dữ liệu cá nhân của họ có thể bị thu thập rồi được lưu trữ ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam rất khó kiểm soát, khó kiểm tra. Đôi khi thông tin bên cho vay là giả, dữ liệu khách hàng và những người thân quen trong danh bạ điện thoại có nguy cơ bị lộ, lọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong bối cảnh số hoá trở thành xu hướng tất yếu như hiện nay, bà Đặng Thị Thanh Hồng cũng cảnh báo, gần đây xuất hiện tình trạng có đối tượng lợi dụng danh tính người khác để lập hồ sơ khống vay vốn, để lại nhiều hậu quả.

Con đường đẩy lùi "tín dụng đen"

Theo Đại tá Trần Kim Thẩm, trước thực trạng nhức nhối liên quan "tín dụng đen", Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với tội phạm hoạt động "tín dụng đen". Bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành tham gia đấu tranh và giải quyết triệt để vấn nạn, góp phần bảo đảm ANTT, lành mạnh hóa hoạt động cho vay.

Tuy nhiên, Đại tá Trần Kim Thẩm nhấn mạnh, đấu tranh với tội phạm "tín dụng đen" là nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi nhiều biện pháp, nhiều thời gian, huy động được sự vào cuộc của các cơ quan chức năng; bên cạnh đó là nâng cao ý thức của người dân về chấp hành pháp luật, hiểu rõ hệ lụy "tín dụng đen".

Thông tin thêm tới độc giả Báo CAND, Trung tá Đỗ Minh Phương cho biết, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, lực lượng Công an đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý hơn 1.000 vụ phạm pháp hình sự liên quan "tín dụng đen", trong đó có 500 đường dây dạng "tín dụng đen", hơn 300 vụ cho vay lãi nặng. Việc xử lý những vụ việc đó đã giúp răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, Trung tá Đỗ Minh Phương chỉ ra rằng, các đối tượng phạm tội có dấu hiệu chuyển hướng phương thức, thủ đoạn và phạm vi hoạt động.

Ngoài việc tham mưu các cấp, ngành để có những phương án tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với "tín dụng đen", Trung tá Đỗ Minh Phương khuyến nghị, người đi vay nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thức. Với người có ý định vay từ tổ chức tín dụng không chính thống, họ nên lường trước rủi ro về việc thông tin cá nhân có thể bị thu thập và sử dụng bất hợp pháp, hoặc đối mặt với hành vi đe dọa, người thân có thể bị quấy rối.

"Người đi vay cần nâng cao trách nhiệm trong tìm hiểu thông tin về lãi suất khoản vay, hợp đồng hoặc người cho vay, góp phần bảo vệ bản thân và người thân tránh bẫy "tín dụng đen"", Trung tá Đỗ Minh Phương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho rằng, cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp để bảo vệ người dân trước bẫy "tín dụng đen". "Về hành lang pháp lý, chúng ta cần kiện toàn các quy định liên quan đến hoạt động cho vay. Các công ty tài chính chính thức cũng nên có cách tiếp cận phù hợp hơn với khách hàng để họ không phải tìm đến "tín dụng đen"", Đại tá Hoàng Ngọc Bách nhận định.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT đánh giá, ngành tài chính tiêu dùng phát triển trên thế giới từ lâu, nhưng ở Việt Nam còn mới mẻ. Theo ông Phúc, điều cần làm lúc này là hướng người có nhu cầu vay đến các tổ chức tín dụng chính thức, hoạt động theo quy định của pháp luật, có pháp nhân rõ ràng, chịu sự giám sát, điều chỉnh bởi các cơ quan nhà nước.

Theo ông Phúc, từ khi COVID-19 bùng phát, FE-CREDIT cũng như các tổ chức tài chính cho vay và các công ty tài chính tiêu dùng chính thức đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi, giảm bớt thủ tục cũng như giảm lãi suất để giúp đỡ người dân có thể tiếp cận. "Vấn đề hiện nay là chúng ta cần đảm bảo rằng, người dân có nhu cầu vay có thể chủ động tiếp cận với những tổ chức tín dụng chính thống, tránh xa "tín dụng đen"", ông Phúc nói.

Khách mời Đặng Thị Thanh Hồng cũng nêu quan điểm: Để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính tín dụng lành mạnh của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục, mở ra những gói dịch vụ mới. "Tại những nơi chưa có chi nhánh, các tổ chức tín dụng có thể thiết lập mô hình ngân hàng, chi nhánh lưu động", bà Đặng Thị Thanh Hồng gợi ý. "Ngành ngân hàng, cho vay tài chính cần chủ động có giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh lãi và kì hạn trả nợ phù hợp để khách hàng không cần tìm đến "tín dụng đen". Ngoài ra, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân tìm đến tín dụng chính thức, thay vì "tín dụng đen" khi có nhu cầu vay tiền".

Thiện Nhân
.
.
.