Thủ đoạn của băng nhóm xuyên quốc gia cho vay “tín dụng đen” hàng nghìn tỷ đồng

Thứ Ba, 30/04/2024, 08:43

Băng nhóm xuyên quốc gia cho vay “tín dụng đen” do Katerynchyk Roman (SN 1986, Quốc tịch Ukraine) cầm đầu. Các trinh sát Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phải vất vả nhiều tháng ròng rã đeo bám mới điều tra, làm rõ được mánh khóe để vạch mặt chúng.

Phần lớn tội phạm cho vay nặng lãi ở trong nước đều là những kẻ mang tiền án, tiền sự và có liên quan nhiều loại tội phạm khác như, cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bảo kê…Còn băng nhóm tội phạm do Katerynchyk Roman cầm đầu có trình độ công nghệ cao. Các đối tượng còn thành lập nhiều công ty “núp bóng” hoạt động cho vay nặng lãi. Mỗi công ty giữ một nhiệm vụ, vai trò khác nhau để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Nhìn bề ngoài, chúng hoạt động hoàn toàn riêng lẻ, nhưng tổng thể lại khép kín dưới sự điều hành của người nước ngoài.

manh1-1714441448609.jpg
Đối tượng Tymur.

Roman phân chia mô hình tổ chức của các công ty khá cụ thể. Lê Thanh Huỳnh Cang (SN 1971, ngụ TP Thủ Đức) phụ trách toàn bộ hoạt động của 4 công ty, phụ trách Công ty Ixora, quản lý, vận hành website, ứng dụng cho vay và hệ thống CRM. Các đồng bọn khác, gồm: Lê Huy Hùng, Nguyễn Thanh Trung, Nguyễn Thị Tuyết Xương được Cang giao đứng tên Giám đốc các Công ty Lộc Tín, Cactus, Vinex. Các đối tượng khác được chia thành các bộ phận: Telesale quảng cáo khoản vay; chăm sóc khách hàng, hướng dẫn khách vay; kiểm tra, thẩm định; bộ phận IT; bộ phận pháp chế phụ trách mở công ty, xin giấy phép, kiểm tra hợp đồng; hành chính nhân sự, tuyển dụng, chấm công, tính lương, bảo hiểm…

Bọn chúng quảng cáo toàn lời mật ngọt mời chào các khách hàng như lãi suất 0 đồng khiến rất nhiều người sập bẫy. Khách hàng chỉ cần cung cấp họ tên, ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng, nghề nghiệp, nơi làm việc, ảnh chụp mặt cùng giấy tờ tùy thân; cho phép phần mềm truy cập danh bạ và các ứng dụng trên điện thoại… thì có thể vay mượn tiền.

Sau đó, khách hàng tải ứng dụng/app Easycash.vn và Oncredit.vn hoặc vào trang web Oncredit.vn để điền đầy đủ thông tin trên và đăng ký khoản vay. Hạn mức vay lần đầu tối đa 500.000 đồng, thời hạn dưới 5 ngày và không tính lãi. Đối với các lần vay sau, các đối tượng sử dụng phần mềm, hệ thống sẽ duyệt tự động cho vay từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng, thời gian vay từ 5 đến 30 ngày.

Vào tháng 4/2023, tổ công tác liên ngành của TP Thủ Đức đã kiểm tra hành chính nhưng không phát hiện hoạt động của các đối tượng. Ở thời điểm băng nhóm Roman cảm thấy bị động khi có lực lượng chức năng kiểm tra, chúng sử dụng thủ đoạn thu các khoản phí thay cho lãi thực tế, người vay phải trả với mức lãi suất đến hàng nghìn phần trăm/năm.

Tiếp đó, Roman chỉ đạo “đàn em” tên Bugaevskiy Tymur (SN 1990) là giám đốc dữ liệu, chịu trách nhiệm viết phần mềm dữ liệu CRM, lập trình quy trình đánh giá người vay của hệ thống CRM chặt chẽ, khép kín hơn. Ngoài ra, Tymur cùng với các đối tượng bộ phận IT của các công ty cài đặt hệ thống bảo mật, không cho phép các nhân viên tự ý kết nối các máy tính của công ty hoặc đường truyền internet khác; kết nối với các thiết bị lưu trữ dữ liệu bên ngoài, sử dụng camera nhận diện và tự động ngắt kết nối với máy chủ khi phát hiện người khác sử dụng phần mềm.

Tuy nhiên, các trinh sát vẫn kiên trì đeo bám hoạt động của băng nhóm Roman để chờ thời điểm phá án là khi hai “tay chân” đắc lực của của Roman nhập cảnh vào Việt Nam. Đúng như kế hoạch, Tymur và Kravchuk Iryna (SN 1985, cùng mang quốc tịch Ukraine) trực tiếp quản trị, điều hành băng nhóm tội phạm tại Việt Nam vừa nhập cảnh vào Việt Nam thì bị Công an bắt giữ.

Đến ngày 21/3, Cục Cảnh sát hình sự chủ trì phối hợp cùng các Cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Khánh Hòa đồng loạt bắt người và khám xét đối với các đối tượng gây án tại Việt Nam. Lực lượng Công an đã khám xét 4 công ty có trụ sở tại TP Thủ Đức, gồm: Công ty IXORA; Công ty Lộc Tín; Công ty Cactus và Công ty Vinex. Đồng thời, cơ quan điều tra triệu tập 63 người có liên quan; tạm giữ 68 laptop, 7 CPU, máy tính bảng, gần 100 ĐTDĐ và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan hoạt động cho vay lãi nặng.

Như Báo CAND đã đưa tin, các đối tượng khai nhận, vào năm 2019, Roman nhập cảnh Việt Nam và tạm trú tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Roman đã thành lập Công ty TNHH TM&DV Lợi Tín và cấu kết với các đối tượng người Việt Nam (trong đó, có Cang và Nguyễn Thị Nhất Phương, SN 1990, ngụ quận 4) để hoạt động “tín dụng đen” qua app Oncredit và website Oncredit.asia.com. Đầu năm 2023, bọn chúng thấy các cơ quan chức năng của Việt Nam đấu tranh, xử lý mạnh các băng nhóm “tín dụng đen”. Đến tháng 4/2023, Công ty Lợi Tín bị tổ công tác liên ngành của UBND TP Thủ Đức (do Công an TP Thủ Đức chủ trì) kiểm tra hành chính, nên Roman đã xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Sau đó, Roman chỉ đạo Cang, Phương dừng hoạt động của Công ty Lợi Tín và thành lập 4 công ty trên để vận hành quy trình cho vay nặng lãi khép kín, tạo thêm app EasyCard hoạt động song hành với app Oncredit. Tiếp đó, Roman chỉ đạo Tymur và Iryna nhập cảnh vào Việt Nam để quản trị hệ thống và điều hành quy trình kỹ thuật của 4 công ty trên. Roman đã đưa cho Cang 400.000 USD để hoạt động cho vay. Đến tháng 4/2023, Roman chỉ đạo Công ty Lộc Tín tiếp tục nhận 11 triệu USD từ Công ty SCA của Singapore và Ngân hàng TAS của Đảo Síp. Các đối tượng đã cho hàng trăm nghìn khách hàng vay, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, phối hợp với VKSND Tối cao, Công an các đơn vị, địa phương mở rộng chuyên án để xử lý triệt để các hành vi phạm tội các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Đức Mừng
.
.
.