Thêm nhiều nạn nhân mất tiền oan vì đầu tư đa cấp
Như Báo CAND đã đưa tin, dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo, song hình thức lừa đảo đầu tư qua mạng vẫn nợ rộ và thêm nhiều nạn nhân tiếp tục dính bẫy. Mới đây, Báo CAND nhận được đơn tố cáo của ông C.V.H ở Đà Nẵng tố cáo sàn chứng khoán Sea Investing lừa đảo.
Theo nội dung tố cáo, cuối tháng 4/2021, ông H. có nhận được cuộc gọi tự xưng là Huyền Trân, nhân viên của sàn chứng khoán Sea Investing ở Hà Nội, liên tục gọi điện, nhắn tin zalo dụ dỗ đầu tư chứng khoán quốc tế, bao lợi nhuận và các mã chứng khoán tiềm năng của sàn Sea Investing từ 3-7%/ngày, chỉ cần nộp tiền và giao dịch theo đúng hướng dẫn của chuyên gia, có kỹ thuật hướng dẫn thời gian đặt lệnh, chốt lệnh.
Dù ban đầu, tỏ thái độ không quan tâm, nhưng với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”, liên tục bị gọi điện dụ dỗ, ông H. đã đồng ý mở tài khoản, với thao tác cực kỳ đơn giản chỉ là chụp và gửi ảnh chứng minh nhân dân. Sau khi được mở tài khoản trên phần mềm MetaTrader, ông H. được hướng dẫn nộp vào tài khoản 11,6 triệu đồng.
Sau khi dụ được tiền vào tài khoản, ông H. nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là Duy Anh, kỹ thuật viên của Sea Investing hướng dẫn giao dịch, cài đặt phần mềm Telegram với giải thích phần mền này có tính bảo mật cao hơn zalo. Trong quá trình giao dịch, ông H. hoàn toàn làm theo các hướng dẫn đặt - chốt lệnh của Duy Anh. Có thời điểm, số lãi lên tới hơn 40 triệu đồng.
Lúc này, ông H. có đề nghị rút bớt lãi, thì Huyền Trân và Duy Anh khuyên nên đợi nhận cổ tức của mã CAT (mã của công ty Caterrpilar) rồi rút luôn một thể. Sau đó, Duy Anh đưa cho ông H. rất nhiều lệnh, liên tục lôi kéo, nhồi lệnh để ông H. giao dịch khiến cho tài khoản luôn trong tính trạng âm 90%. Lúc này, lại có một người khác xưng tên là Cường gọi điện yêu cầu ông H. nạp thêm tiền để “khử âm” và giữ tài khoản không bị cháy.
Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, ông H. kiên quyết không nạp thêm tiền. Ngay lập tức, tài khoản của ông H. đã bị đánh sập với số tiền cả vốn lẫn lãi đều âm hoàn toàn. Điều đáng nói, không phải chỉ một mình ông H. mà có hàng chục người khách cũng bị “dính bẫy” lừa đảo của sàn chứng khoán nói trên.
Trong đơn kêu cứu của mình, ông H. cho biết đang giữ toàn bộ thông tin về cuộc gọi cũng như tin nhắn, quá trình giao dịch với sàn Sea Investing. Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi theo số điện thoại của Huyền Trân và Duy Anh mà ông H. cung cấp thì không thể liên lạc được. Ngay ban thân ông H. cũng cho biết đến giờ, chính ông cũng không thể liên lạc với các số điện thoại nói trên. Cùng với đó, chúng tôi cũng không thể tìm được địa chỉ trụ sở công ty chứng khoán do ông H. cung cấp.
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp ông H., các chuyên gia đầu tư đều cho rằng ông H. đã tham gia vào hình thức đầu tư đã cấp forex. Đây là hình thức lừa đảo tài chính nở rộ trên mạng từ vài năm trở lại đây, với hàng trăm nghìn nạn nhân sập bẫy.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, lừa đảo tài chính vốn là loại lừa đảo đẳng cấp cao nhất trong các loại lừa đảo vì độ phức tạp cũng như hiểu biết luật để lách luật, thậm chí am hiểu tâm lý học giúp đánh giá "con mồi" chính xác để một khi đã ra chiêu thì gần như không ai từ chối được.
Đến nỗi nhiều người bị lừa vẫn không biết mình bị lừa và còn khen ngược lại đối tượng nữa. Nhiều vụ đối tượng đã bỏ trốn biệt tăm, thậm chí thay tên đổi họ để lại đẻ ra dự án khác để đi lừa tiếp. Hệ lụy để lại của nó quá lớn cho nhiều gia đình, xã hội và thậm chí nhiều nạn nhân tìm cách trả thù bằng các hành vi vi phạm luật pháp.
Tìm hiểu thêm về hình thức đầu tư tài chính kinh doanh mạng, nhóm PV Báo CAND được biết có rất nhiều trường hợp như ông H. bị hấp dẫn bởi lợi nhuận, lỡ sa chân vào các dự án kinh doanh này đều bị mất trắng. Giống như trường hợp Sea Investing, một số dự án đầu tư như Skynet iFan, Sky Mining, BBi, Emas Fintech… cũng đã bị nhiều nhà đầu tư tố cáo nhưng tất cả đều rất khó lấy lại tiền.
Bộ Công An và Bộ Công thương cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo nhiều loại hình lừa đảo nở rộng trong đợt dịch COVID-19 với nhiều thủ đoạn mới mà nổi bật là các mô hình lừa đảo tài chính, lừa đảo kiểu Ponzi (đa cấp- lấy tiền người sau trả cho người trước) và khuyến khích nạn nhân tố giác. Tuy nhiên, các hình thức kinh doanh này đều không hợp pháp nên nhiều người lỡ bị lừa cũng phải chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám tố cáo vì sợ liên lụy. Hiện nay, danh sách nạn nhân của những mô hình lừa đảo này ngày càng dài.
“Đối với những người bị lừa đảo như trường hợp bạn đọc phản ánh đến Báo CAND nói trên, nạn nhân nên gửi đơn tố cáo lên Công an địa phương, nơi diễn ra hành vi lừa đảo, để cơ quan chức năng tập hợp và tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân phải nâng cao cảnh giác, không để bị “bẫy” vào những hình thức kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ mà mình không hiểu biết.
Đặc biệt, phải cảnh giác trước những con số lợi nhuận không tưởng mà các đối tượng môi giới đưa ra, vì không có hình thức kinh doanh nào mang lại siêu lợi nhuận như thế cả”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.