Sinh viên vay nợ - cảnh báo từ bi kịch của các bạn trẻ ở Trung Quốc
Vụ nữ sinh T. của trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh bị mất 10 triệu đồng học phí, phải vay nợ các app “tín dụng đen” dẫn đến khoản nợ 300 triệu đồng và rơi vào khủng hoảng tinh thần vì bị khủng bố đòi nợ đang gây xôn xao dư luận.
Trong thực tế, chắc chắn không chỉ có nữ sinh T bị vướng vào “bẫy” “tín dụng đen”, mà nhiều sinh viên khác có thể đã và đang trở thành nạn nhân của việc vay nợ với lãi suất “cắt cổ” này. Ở lứa tuổi mới lớn, các em chưa đủ kinh nghiệm và kỹ năng sống để đối phó với các cạm bẫy xung quanh mình.
Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra một vụ việc xảy ra tại Trung Quốc được báo chí đưa tin, với hy vọng sẽ cảnh báo các bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên, tránh xa các bẫy “tín dụng đen” đang giăng rất nhiều trên mạng xã hội.
Theo đó, các báo dẫn về một bộ phim tài liệu được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc đã tiết lộ thông tin về đường dây cho vay nặng lãi khét tiếng ở nước này dẫn đến cái chết của 89 người và hàng trăm nghìn người khác là nạn nhân trước khi bị Cảnh sát triệt phá vào năm 2019.
Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), những đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động ở ngoại ô thành phố Lan Châu thuộc tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc Trung Quốc đã biến hơn 390.000 người thành con mồi của chúng trước khi Cảnh sát địa phương can thiệp. Trong số các nạn nhân, 89 người đã tự sát sau khi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất
“Mỗi ngày, mỗi ngày, mỗi ngày, mỗi ngày đều phải trả nợ. Con không thể chịu đựng được nữa”, một nạn nhân được ghi hình trong phim tài liệu nói trong video gửi cho cha mẹ anh ấy. “Bố mẹ ơi, nếu có kiếp sau, con sẽ lao động như ngựa để trả ơn mẹ. Con chỉ muốn thoát khỏi cảnh này càng sớm càng tốt”, một trường hợp khác nói.
Vào tháng 3/2019, Cảnh sát ở Lan Châu đã bắt giữ 253 nghi phạm, bao gồm cả tên cầm đầu Vương Đào, đồng thời đóng cửa hơn 1.300 ứng dụng di động và trang web bị cáo buộc liên quan đến hoạt động cho vay bất hợp pháp. Băng nhóm tội phạm này đã cung cấp các khoản vay tổng cộng 6,2 tỷ nhân dân tệ (945 triệu USD) cho những người vay, tạo ra lợi nhuận hơn 2,8 tỷ nhân dân tệ, theo phim tài liệu của CCTV.
Trong bối cảnh các quy định về thẻ tín dụng và các khoản vay ngân hàng ngày càng chặt chẽ hơn, nhiều sinh viên Trung Quốc đã chuyển sang các nguồn cho vay không chính thức. Chủ nợ là những người thành lập doanh nghiệp và thu hút khách hàng bằng các khoản vay dễ tiếp cận, rất ít điều kiện. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã bị lợi dụng, lừa đảo; một số kẻ cho vay thậm chí còn đòi ảnh khoả thân của các nữ sinh làm tài sản thế chấp, bài báo cho biết.
“Hầu hết các khoản cho vay qua internet thuộc dạng quy mô nhỏ. Những người đi vay - chủ yếu là sinh viên đại học và những người thuộc nhóm thu nhập thấp, họ vay tiền cho nhu cầu tiêu dùng hoặc sinh hoạt trong lúc thiếu thốn, cần tiền gấp. Họ nghĩ rằng, có thể trả lại đúng hạn nhưng sau đó nhận thấy rằng không thể. Do lãi suất cao và các lý do khác, họ cuối cùng phải đối mặt với số nợ ngày càng nhiều”- Kim Hán Minh, luật sư tại Công ty Luật Quảng Đông Guangqiang chuyên về các vụ tống tiền, nói.
Luật sư Kim cho biết, trong những năm gần đây, giới chức đã xây dựng quy trình giám sát và cấp phép chặt chẽ đối với các nền tảng cho vay trực tuyến, và những kẻ đòi nợ bất hợp pháp bị bắt quả tang quấy rối người khác bằng bạo lực hoặc đe doạ sẽ phải đối mặt với án tù ba năm. Vào năm 2018, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm truy quét tội phạm có tổ chức, bao gồm cả các hoạt động cho vay nặng lãi. Năm sau, các nhà chức trách tuyên bố việc thu hồi các khoản nợ thông qua quấy rối hoặc đe doạ sẽ cấu thành “bạo lực mềm”.
Năm 2020, Vương, kẻ cầm đầu băng nhóm cho vay nặng lãi, đã bị kết án chung thân, trong khi 18 đồng sự của Vương phải chịu các án tù từ 5 đến 20 năm, theo phim tài liệu CCTV. Các tài liệu của toà án cho thấy, họ đã phạm tội điều hành các doanh nghiệp bất hợp pháp bằng cách sử dụng các công ty vỏ bọc, áp đặt lãi suất lên đến 5.200%, khiến người vay không thể trả được.