Quyết liệt ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”

Thứ Hai, 27/12/2021, 09:17

Thượng tá Phan Thế Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Thừa Thiên-Huế cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lây lan nhanh ra nhiều địa bàn trên toàn tỉnh, gây thiệt hại nặng nề đời sống nhân dân, tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ… nên hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” vẫn tồn tại với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Nhất là vào thời điểm giáp Tết như hiện nay, nắm bắt nhu cầu vay tiền để mua sắm của người dân càng tăng cao nên nạn “tín dụng đen” tái diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, những ngày qua, nhiều đơn vị Công an xã, phường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát thông báo đến người dân về phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, “tín dụng đen”…

ngan-chan1.jpg -0
Cán bộ Công an Thừa Thiên-Huế đấu tranh với đối tượng cho vay lãi nặng Nguyễn Văn Thăng và đồng phạm.

Mới đây, một thanh niên trú tại huyện Phú Vang, sau khi vay 20 triệu đồng của một nhóm đối tượng ngoại tỉnh, chỉ trong 3 tháng, số tiền thanh niên này phải trả cả lãi và gốc hơn 70 triệu đồng nhưng các đối tượng cho vay vẫn gọi điện cho rằng, số tiền đó vẫn chưa đủ. Không có tiền để trả, thanh niên này liên tục bị các đối tượng đe dọa, uy hiếp. Sợ bị đánh đập, thanh niên này hủy sim điện thoại, trốn vào tỉnh Bình Dương. Tương tự, có rất nhiều người dân, từ làng quê đến thành phố đã “sập bẫy” khi vay tiền “tín dụng đen”...

Từ nguồn tin trinh sát cho thấy, vẫn còn nhiều đối tượng ngoại tỉnh đến Thừa Thiên-Huế lưu trú theo từng nhóm để hoạt động cho vay lãi nặng. Do đó, lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh, triệt xóa loại tội phạm này. Điển hình, ngày 25/12, Phòng CSHS Công an Thừa Thiên-Huế bắt giữ Nguyễn Văn Thăng (SN 1998, trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) về hành vi cho vay lãi nặng.

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 7/2021 đến cuối tháng 12/2021, Thăng cùng một số đối tượng khác từ Ninh Bình vào Huế hoạt động cho vay nặng lãi. Với thủ tục cho vay rất đơn giản, như chụp ảnh CMND, sổ hộ khẩu người vay, số điện thoại người vay…; các đối tượng đã tiếp cận được nhiều người có nhu cầu vay tiền và đã thực hiện 117 hợp đồng cho vay với tổng số tiền 922 triệu đồng; lãi suất vay từ 182.5%/năm đến 304.33%/năm; thu lợi bất chính gần 190 triệu đồng. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, trong quá trình cho vay, Nguyễn Văn Thăng đã sử dụng nhiều tên giả và số điện thoại khác nhau để liên lạc với khách vay tiền.

Hoặc mới đây, Công an TP Huế cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Đức Nam (SN 2001, trú tại xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Bước đầu Nam khai nhận, tháng 3/2021, Nam đến tạm trú trên địa bàn TP Huế và hàng ngày đi vào các chợ trên địa bàn tìm người để cho vay. Khi gặp người có nhu cầu vay tiền, Nam kiểm tra giấy tờ tùy thân và thỏa thuận cho vay với lãi suất 1%/ngày, chu kỳ trả góp là 25 ngày, phí vay 5% hoặc 10% trên tổng số tiền cho vay. Lãi suất mỗi hợp đồng cho vay gấp 18,25 lần so với mức lãi suất quy định.

Tương tự, Công an thị xã Hương Thủy phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phá chuyên án, bắt giữ đối tượng: Trần Thị Sang (SN 1989, trú tại thị xã Hương Thủy) câu kết với nhóm đối tượng ngoại tỉnh, gồm: Phạm Văn Tú (SN 1999, trú tỉnh Hải Dương); Lê Quốc Lãm (SN 1997); Trần Văn Hậu (SN 2002), trú tại tỉnh Nghệ An để hoạt động cho vay lãi suất cao.

Ngoài ra, Công an thị xã Hương Thủy còn phát hiện nhiều đối tượng khác từ miền Bắc vào ở tại TP Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang để cho vay nặng lãi. Nhiều trường hợp nhóm đối tượng này gây áp lực đe dọa, đòi nợ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Các đối tượng khai nhận đã cho vay với lãi suất từ 146% đến 365%/năm, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Thượng tá Phan Thế Hùng cho rằng, trước những diễn biến phức tạp của tội phạm “tín dụng đen”, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, thời gian qua, Công an Thừa Thiên-Huế tập trung lực lượng quyết tâm triệt xóa, xử lý, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động cho vay lãi nặng. Qua đó, trong năm 2021, tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh không diễn biến quá phức tạp; số vụ, số việc vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm đã giảm trên 30% so với năm 2020.

Năm 2021, Công an toàn tỉnh phát hiện 9 vụ, xử lý 13 đối tượng về hành vi “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự và triệt phá 3 nhóm/11 đối tượng có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng “tín dụng đen”. Ngoài ra, tiếp nhận và xử lý bước đầu 7 vụ việc liên quan đến sử dụng Công nghệ cao để hoạt động “tín dụng đen” bao gồm đe dọa, quấy rối, các ứng dụng cho vay lãi nặng… Trong đó, đã xử lý ngăn chặn 4 vụ việc, hiện đang tiếp tục xác minh làm rõ 3 vụ việc.

Ngoài ra, Công an các địa phương cũng xử lý hành chính nhiều trường hợp phát tờ rơi, dán quảng cáo cho vay lãi nặng. “Nhờ liên tục đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” nên trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã không còn hình thành các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” có tổ chức, hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, liều lĩnh; không xảy ra các vụ trọng án liên quan đến đòi nợ, đòi nợ thuê xuất phát từ “tín dụng đen”. Các đối tượng có hành vi xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, đe dọa, ném chất bẩn để gây áp lực đòi nợ, tình trạng đối tượng dán, rải tờ rơi giới thiệu cho vay tiền đều giảm mạnh so với cùng kỳ”, Thượng tá Phan Thế Hùng nói.

Tuy nhiên, điều đáng lo là thời gian gần đây, tình hình hoạt động cho vay lãi nặng “tín dụng đen” hoạt động qua mạng Internet (cho vay qua ứng dụng điện thoại App) vẫn còn tiếp diễn. Nhiều người dân khi tiếp cận các App cho vay tiền do nhận thấy thủ tục đơn giản, chỉ cần thao tác đăng ký trên điện thoại và nhận tiền ngay qua tài khoản nên đã đăng kí vay, thậm chí vay cùng lúc của nhiều App. Do các đối tượng hoạt động cho vay tiền qua App tính lãi suất rất cao nên nhiều trường hợp người vay không trả được nợ dẫn đến việc các đối tượng cho vay gọi điện đến đe dọa, gọi đến người thân có trong danh bạ điện thoại để thông báo, ghép ảnh người vay với những hình ảnh phản cảm, thông tin sai sự thật rồi đăng lên mạng xã hội để đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định, hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trên địa bàn tuy được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn đến ANTT. Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, cơ quan Công an khuyến cáo đến người dân cần hết sức cảnh giác, thận trọng, đối chiếu về mức lãi suất của các cá nhân, nhóm cá nhân cho vay ngoài pháp luật so với mức lãi suất của ngân hàng quy định để tránh bị sập bẫy của các đối tượng…

Hải Lan
.
.
.