Những thủ đoạn của “tín dụng đen” ở các khu công nghiệp
Đại úy Trần Văn Thông, Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Qua công tác đấu tranh, phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, các đối tượng hoạt động ngụy trang dưới nhiều hình thức mà thủ đoạn tinh vi nổi lên là cho vay bằng các hợp đồng giả cách, ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản...
Bình Dương là tỉnh công nghiệp phát triển nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ sau đại dịch COVID-19 và xung đột vũ trang trên thế giới dẫn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn… nhu cầu sử dụng vốn vào mục đích sản xuất, kinh doanh và vốn tiêu dùng là rất lớn.
Ngoài hoạt động cho vay tài chính từ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng hợp pháp, nhiều người dân, doanh nghiệp không lường trước được hậu quả đã tìm đến “tín dụng đen” như một giải pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn. Chính điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng “tín dụng đen” len lỏi hoạt động.
Đại úy Trần Văn Thông, Phó trưởng Phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết: Qua công tác đấu tranh, phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, các đối tượng hoạt động ngụy trang dưới nhiều hình thức mà thủ đoạn tinh vi nổi lên là cho vay bằng các hợp đồng giả cách, ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản. Khi người vay cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để sử dụng nên chấp nhận vay theo các phương án trên và trả mức lãi suất rất cao. Đến khi mất khả năng chi trả, lập tức bị kẻ cho vay buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp. Trong trường hợp con nợ không “thanh lý hợp đồng”, chúng sẽ bán nợ cho công ty mua bán nợ (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) và các công ty này lập tức liên hệ người vay và sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, chất bẩn, nước thải…) để đòi nợ như từng xảy ra trước đây.
Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Trường Đại học Cảnh sát nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học “Phòng chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động tín dụng đen”. Qua hội thảo, các đại biểu đã có nhiều tham luận tập trung đánh giá tình hình hoạt động, nguyên nhân cũng như đề ra các giải pháp để đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm liên quan tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Quá trình điều tra, xử lý đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh cùng cấp có văn bản thống nhất liên ngành trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong đó, thống nhất quan điểm xử lý, cách tính lãi suất, cách tính thu nhập bất chính. Đồng thời, lực lượng Công an chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về các chính sách tín dụng để giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách tài chính, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, tổ chức tài chính hợp pháp.
Ông Phan Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, dư nợ cho vay ưu đãi đạt gần 190 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56% trong tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với gần 200 ngàn lượt khách hàng vay vốn.
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Cơ quan CSĐT tỉnh Bình Dương đã phát hiện triệt xóa 74 vụ (148 đối tượng) về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, đã khởi tố 50 vụ (91 bị can) xử lý về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và 9 vụ (42 bị can) liên quan các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, làm nhục người khác... Trong số 74 vụ phát hiện, xử lý có 60 vụ là do các đối tượng từ tỉnh khác đến hoạt động gây án.
Cũng theo Đại tá Trần Văn Chính, trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ chủ động đấu tranh, ngăn chặn, làm tan rã băng nhóm, tổ chức hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, khu dân cư bảo đảm an ninh, an toàn; khuyến cáo người dân không cầm cố tài sản với mục đích không rõ ràng; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ để vi phạm pháp luật. Qua đó góp phần xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân.
Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát hình sự tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong đấu tranh bài trừ “tín dụng đen”. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh doanh tài chính, viễn thông, internet, an ninh mạng để kịp thời ngăn chặn số tin nhắn, thông báo, cuộc gọi rác của nhóm đối tượng đòi nợ và có hành vi khủng bố, đề xuất ngăn chặn các số điện thoại có biểu hiện hoạt động đòi nợ trái quy định của pháp luật.