Những hệ luỵ khôn lường từ việc đòi nợ cuối năm
Càng đến cuối năm, việc đòi nợ càng có xu hướng diễn biến phức tạp. Nhiều chủ nợ muốn thu tiền nên có tìm mọi cách ép người vay trả nợ. Nếu không có kế hoạch cụ thể về việc trả nợ thì tất yếu những người vay, thậm chí cả người cho vay đều rơi vào bi kịch. Những vụ án liên quan đến việc đòi nợ ngày giáp Tết từng xảy ra trước đây là minh chứng...
Thời điểm đó cũng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, gia đình ông V. V. D, ở TP Hải Dương rơi vào cảnh khốn khổ vì bị đòi nợ. Do nhu cầu làm ăn, ông D vay của Vũ Thị Nguyệt (ở Hải Dương) 1,5 tỷ đồng, với lãi suất 2.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. "Lãi mẹ đẻ lãi con" ông D và những người thân trong gia đình “còng lưng” trả nợ nhiều lần nhưng đến thời điểm đó vẫn còn nợ Nguyệt khoảng 700 triệu đồng. Nguyệt nhiều lần cho người đến đòi tiền, ông D đã đề nghị được trả 400 triệu đồng trước Tết Nguyên đán, số còn lại trả sau nhưng Nguyệt không đồng ý. Sau đó, giữa hai bên đã xảy ra xô xát, lời qua tiếng lại...
Sau đó, cửa hàng của ông D liên tục bị một nhóm người bịt mặt dùng gạch đá, dầu luyn trộn với mắm tôm ném, hất vào hàng hóa. Do gia đình ông D đang sản xuất quần áo để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán nên thiệt hại về tài sản khá lớn, toàn bộ 300 bộ áo dài trưng bày tại cửa hàng đã bị bẩn, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Trong tình cảnh ấy, ông D buộc phải trình báo cơ quan Công an. Khi cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương thông báo đã bắt giữ nhóm đối tượng gây ra vụ việc trên gồm: Vũ Ngọc Quang (ở khu 11, phường Thanh Bình), Vũ Tuấn Hưng (ở phố Bắc Kinh, phường Trần Hưng Đạo), Ngô Văn Phong (ở khu 3, phường Việt Hòa), Phạm Quang Hiếu (ở khu 9, phường Bình Hàn) và Phạm Văn Hiếu (ở khu 1, phường Bình Hàn), ông D và gia đình phần nào bớt được gánh lo.
Trước đây, tại Lâm Đồng cũng từng xảy ra một vụ án mạng liên quan đến việc đòi nợ dịp giáp Tết. Nạn nhân của vụ án là anh Võ Thành Tuấn (SN 1994), ngụ thôn Đồng Lạc 1, xã Đinh Lạc, H. Di Linh (Lâm Đồng), là một chủ nợ. Vụ án mạng bắt nguồn từ khoản vay 15 triệu đồng giữa anh Tuấn và đối tượng Trần Quốc Vũ (SN 1990, ngụ cùng thôn với Tuấn). Anh Tuấn đã nhiều lần đòi tiền nhưng Vũ khất lần... Gần Tết Nguyên đán, do nhu cầu cần tiền, anh Tuấn ráo riết đòi Vũ nên xảy ra xô xát và đối tượng Vũ đã cướp đi mạng sống của anh Tuấn...
Vào dịp Tết Nguyên đán 2020, tại huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) cũng xảy ra vụ một nhóm đối tượng dùng dao đâm chết anh Nguyễn Vũ Tâm (SN 1996, quê Đồng Nai; ngụ huyện Hóc Môn) khi đi cùng bạn để đòi nợ số tiền 5 triệu đồng.
Theo nguồn tin từ cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi, lúc 0h ngày 18 tháng Chạp, đối tượng Hoa Hiếu Trung (SN 1989) đến Công an phường Linh Trung, quận Thủ Đức đầu thú, khai nhận cùng nhóm bạn gây ra vụ án mạng khiến một người tử vong. Theo Trung khai, Trung nợ anh Huỳnh Phương Thảo (SN 1984, quê Bình Định; ngụ huyện Hóc Môn) 5 triệu đồng. Anh Thảo rủ anh Tâm đến nhà Trung để đòi nợ. Hai bên không gặp nhau nhưng có điện thoại thách thức, cãi vã.
Đến 19h ngày 17 tháng Chạp, anh Thảo tiếp tục chở anh Tâm đến nhà Trung ở xã Tân Thạnh Đông thì gặp Trung cùng nhóm bạn 6 người. Tại đây, anh Thảo bị 1 người trong trong nhóm của Trung cầm gậy đánh vào ngực nên bỏ xe, chạy bộ thoát thân. Anh Tâm thì bị Trung và nhóm bạn chém nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, nhóm của Trung lên xe bỏ trốn khỏi hiện trường. Một ngày sau, Trung ra đầu thú....
Lý giải tình trạng đòi nợ, xiết nợ trong những tháng cuối năm có chiều hướng diễn diễn phức tạp, một điều tra viên cho biết: Vào thời điểm cuối năm, việc đòi nợ càng diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, đối tượng cầm đầu trong các ổ nhóm tội phạm hình sự thường là những kẻ có tiền án, tiền sự, đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, ít nhiều có sự am hiểu về pháp luật nên có nhiều thủ đoạn lách luật để đối phó với cơ quan Công an.
Trong quá trình đòi nợ, thông thường các đối tượng thường dùng hình thức đe dọa “khủng bố” về tinh thần; hạn chế việc sử dụng vũ lực, huỷ hoạt tài sản đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, do vào những tháng cuối năm, nhu cầu về tiền tăng cao nên nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn để đòi nợ.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần không còn nhiều thời gian. Để hạn chế các vụ án đòi nợ kiểu như trên, Công an các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác tuyên tuyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chung và ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, xiết nợ, đòi nợ thuê nói riêng. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội, đấu tranh, đánh mạnh các ổ nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen”, kiên quyết không để các băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân.
Về phía người dân, trường hợp nếu thực sự có nhu cầu về tiền vay trong dịp giáp Tết, cần tìm đến các tổ chức tín dụng uy tín, được Nhà nước cấp phép. Trong trường hợp đã vay tiền mà chưa có khả năng chi trả, phải giải quyết sự việc một cách thấu tình hợp lý. Trường hợp đã lỡ vay nặng lãi, bị các đối tượng đến gây sức ép, đe dọa... thì cần báo ngay cho Công an, chính quyền nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.