Nhiều giải pháp đưa tín dụng tiêu dùng tiếp cận người dân vùng nông thôn
Hiện nay, tín dụng tiêu dùng đang trong quá trình phát triển. Nhưng để hiểu được và để tín dụng dễ dàng tiếp cận người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, thì vẫn cần thời gian và đòi hỏi đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân dần tiếp cận với nguồn tín dụng sạch và an toàn này. Điều này sẽ giúp người dân tránh được bẫy “tín dụng đen” đang rất phát triển và đe dọa đời sống của họ.
Để đưa nguồn vốn này tiếp cận nhiều hơn với khu vực nông thôn, đã có nhiều ý kiến đưa ra giải pháp tại Hội thảo “Nhận diện “tín dụng đen” dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn”, vừa được tổ chức do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụtrưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 1/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỉ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt trên 2,5 triệu tỉ đồng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh việc cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng. Toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình “tín dụng đen” gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động hỗ trợ những người dân, doanh nghiệp qua các biện pháp giãn, hoàn nợ, giảm lãi suất.
Cũng phát biểu trong cuộc hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hoạt động “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống người dân, mà còn làm băng hoại đạo đức, xúc phạm tới nhân phẩm con người. Nơi nào có trình độ dân trí càng thấp thì tình trạng “tín dụng đen” càng hoành hành. Để đẩy lùi “tín dụng đen” thì cần giải pháp căn cơ, lâu dài, tổng thể như nâng cao đời sống người dân, không để người dân rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn dẫn tới nhắm mắt đưa chân để vay “tín dụng đen”.
Thực trạng cuộc sống người dân vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn hiện nay là khu vực tội phạm “tín dụng đen” thường lợi dụng, bởi sự thiếu hiểu biết, dễ tin tưởng của người dân. Cuộc sống người dân ở những vùng này còn khó khăn, thu nhập thấp, trong khi đó những nhu cầu cuộc sống vẫn cần đảm bảo. Mặt khác, cuộc sống ngày càng hiện đại và nhiều tiện ích thuận lợi, thúc đẩy nhu cầu người dân. Trong khi đó, khu vực nông thôn, nhiều nơi người dân thu nhập thấp, ruộng bị thu hẹp làm khu công nghiệp. Lương công nhân thu nhập thấp thậm chí không đủ chi phí, khi mua bán hay nhu cầu tiêu dùng lại phải vay nguồn vốn.
Vì vậy, khi các tổ chức tín dụng triển khai được tại khu vực nông thôn, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Khi tổ chức tín dụng và người dân “gặp nhau” được, thông qua các phương án dễ dàng tiếp cận, sẽ thúc đẩy được tín dụng tiêu dùng ở khu vực này phát triển, giảm được tình trạng người dân tìm đến “tín dụng đen”.
Trong cuộc hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, để Tín dụng tiêu dùng phát triển, cần hành lang pháp lý đồng bộ, rõ ràng nhằm trấn áp, xử lý tội phạm, quản lý trật tự xã hội, triển khai hệ thống tài chính toàn diện, rộng khắp.
Theo đó, chương trình Tài chính toàn diện đã được Chính phủ ban hành từ năm 2020 và đang được triển khai thực hiện. Khi tài chính toàn diện được triển khai rộng khắp, người dân có nhu cầu vay vốn không nhất thiết cứ phải đến ngân hàng, mà có rất nhiều kênh khác nhau để lựa chọn.
Trong một phát biểu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, trong thời gian qua, nhờ sự triển khai động bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tín dụng đã chú trọng việc mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa các thủ tục cho vay nhằm tặng cường tiếp cận tín dụng qua kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Các công ty tài chính và các tổ chức tín dụng luôn đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đồng thời cơ cấu lại nợ, không ngừng nỗ lực xây dựng mức lãi suất phù hợp với khách hàng, lãi suất ngày một giảm và nhiều khách hàng được giảm lãi suất ưu đãi của các công ty (thực hiện theo Thông tư 01-2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021-TT-NHNN).
Hy vọng, với sự vào cuộc và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn vốn tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển, tiếp cận nhiều người dân để nâng cao đời sống, đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen”.