Nhiều đường dây “tín dụng đen” cho vay với lãi suất 1.000%/năm

Thứ Năm, 02/12/2021, 21:50

Liên tiếp thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương đã triệt phá nhiều đường dây hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng với mức lãi suất lên đến 1.000%/năm. Các đối tượng này đã thu lợi nhiều tỷ đồng, đồng nghĩa với việc không ít người rơi vào cảnh tán gia bại sản.

“Trùm” tín dụng đen cho vay lãi “cắt cổ”

Ngày 1/12 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 đối tượng có hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Trước đó, ngày 29/11, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ hai anh em ruột là Ngô Văn Triển (SN 1980) và Ngô Văn Vọng (SN 1982) cùng ở xã Lâm Thao, huyện Lương Tài vì có hành vi cho vay lãi nặng. Bước đầu điều tra, Cơ quan Công an xác định, trong khoảng từ cuối năm 2018 đến nay, Triển và Vọng đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất từ 1.500 đồng/1 triệu/1 ngày đến 30.000 đồng/1triệu/1 ngày. Nếu tính mức 30.000 đồng/ triệu/1 ngày thì lãi suất đã lên tới hơn 1.000%/ năm.

image001.jpg -0
Công an tỉnh Bắc Ninh thực hiện bắt giữ đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.

Tổng số tiền Triển và Vọng cho khách vay là hơn 11 tỷ đồng, số tiền lãi thu về khoảng 3,7 tỷ đồng. Trong đó có hơn 2,6 tỷ đồng thu lời bất chính. Khi khách hàng có nhu cầu, tuỳ mức độ thân quen, Triển và Vọng sẽ đưa ra mức lãi suất khác nhau và cắt lãi từ 10 ngày đến 1 tháng trên tổng số tiền vay. Tiến hành khám xét, Cơ quan Công an thu giữ 2 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động, 2 sổ ghi nợ, khoảng 20 bộ hồ sơ cho khách vay và khoảng 45 triệu đồng.

Trước đó, ngày 27/11, Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Bắc (SN 1986) và Lê Văn Trường (SN 2000), cùng trú tại phường 1, TP Bảo Lộc về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cơ quan điều tra xác định, thời gian qua, Lê Văn Bắc đã cho 12 người trên địa bàn TP Bảo Lộc vay tiền với lãi suất từ 200 đến 800%/năm. Đối tượng này đã thu lời bất chính được hơn 77 triệu đồng. Còn Lê Văn Trường khai nhận đã cho 8 người trên địa bàn TP Bảo Lộc vay tiền với mức lãi suất từ 243 đến 730%/ năm, thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng từ người vay.

Để tìm người vay, Bắc và Trường đã in tờ rơi kèm số điện thoại, rồi chờ tới đêm khuya đem rải trên nhiều tuyến đường ở TP Bảo Lộc. Khi tiếp cận được người cần vay tiền, các đối tượng đã tìm đến nhà xác minh, sau đó thỏa thuận cho vay. Hình thức cho vay của Bắc và Trường là vay lãi đứng hoặc trả góp hàng ngày.

Đối với các đường dây cho vay qua app trái phép cũng vậy, tuy khoản tiền cho vay không nhiều, nhưng các đối tượng đã cắt lãi và phí dịch vụ rất cao, thời gian yêu cầu trả cả gốc và lãi rất ngắn khiến mức tiền người vay phải chi trả rất nhiều. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan Công an đã làm rõ, khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” thì người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900 nghìn đồng, còn 600 nghìn đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng. Nếu người vay tiền trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2 % đến 5 %/ngày.

Nếu người vay trả nợ đúng hạn, có uy tín thì lần vay sau, nhân viên Công ty sẽ duyệt cho người vay số tiền cao hơn từ cấp độ 01 đến cấp độ 07 (mỗi cấp độ gọi là 1 App), với số tiền tối đa được vay là 2,75 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, mỗi người có thể vay nhiều App khác nhau cùng lúc, để có thể vay được số tiền mình có nhu cầu vay. Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất khoảng 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1600%/năm.

Tội cho vay nặng lãi bị xử lý thế nào?

Trao đổi với chúng tôi về các chế tài, quy định pháp luật liên quan tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Về xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay nặng lãi, theo điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”, bị phạt tiền từ 5 triệu - 15 triệu  đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về “Tội cho vay lãi nặng” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đó, “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu - 100 triệu đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu - 1 tỷ  đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

N. Quang
.
.
.