Ngân hàng phát triển mạng lưới để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”
Trong cuộc sống, rất nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần vay tiền nhưng không đủ điều kiện vay ngân hàng, họ đã tìm đến một số cơ sở tổ chức hoạt động “tín dụng đen”.
Chị K, quê ở Hưng Yên, vì bố bị bệnh nặng, phải điều trị rất tốn kém. Không đủ tiền chạy chữa cho bố, vay ngân hàng thì không có tài sản thế chấp, thủ tục cũng phức tạp, không thể nhanh ngay được nên chị đã tìm đến vay của “tín dụng đen”. Cuối cùng, chị không những không thể trả được nợ, mà còn bị cơ sở “tín dụng đen” đó khủng bố đòi nợ, dán ảnh chị kèm những câu nói đe dọa, nhục mạ chị lừa đảo, bùng nợ ở nơi chị ở, chỗ chị làm… Không chịu được áp lực, chị K đã phải bỏ nhà ra đi…Chị K không phải cá biệt, nhiều nạn nhân vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện vay tiền ngân hàng, đã phải tìm đến vay nợ “tín dụng đen” và rơi vào vòng xoáy không lối thoát.
Trong bài tham luận tại buổi tọa đàm khoa học về các giải pháp góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, thực hiện Chỉ thị 12/ CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch hành động của ngành với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và phân công đơn vị đầu mối triển khai theo lộ trình cụ thể, trong đó quán triệt tinh thần triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Sau 2 năm triển khai kế hoạch, ngành Ngân hàng đã đạt được một số kết quả như hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến; chỉ đạo tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩn dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị- xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng… Đáng chú ý, để phát triển mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp, đối tượng dễ tổn thương, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận mở rộng mạng lưới hoạt động cho nhiều tổ chức tín dụng. Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép thành lập mới 29 chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp cho các tổ chức tín dụng. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân. Riêng công ty tài chính, đã có 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50 nghìn điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; có 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với khoảng 115 chi nhánh, phòng giao dịch tại nhiều tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã cùng với hệ thống Ngân hàng tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen” (gồm cả hình thức cho vay trực tuyến bất hợp pháp theo mô hình P2P Lending); đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp thực hiện chuỗi Chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”; “Đồng tiền thông thái”; “Tay hòm chìa khóa”, “Tư vấn tài chính”, Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19, các đối tượng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đã tung chiêu lừa người dân vay qua app trên mạng xã hội khiến tình hình tội phạm “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng, cho vay mới với lãi suất ưu đãi như cơ cấu lại thời hạn trả nợ hơn 238 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi vay cho 2,5 triệu tỷ dư nợ với tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế 27 nghìn tỷ dồng, cho vay mới với doanh số 5,2 triệu tỷ đồng….