Ngăn chặn tội phạm "tín dụng đen" từ gốc

Chủ Nhật, 09/04/2023, 07:01

Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an Tây Ninh đã đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, quyết liệt đấu tranh hiệu quả với tội phạm "tín dụng đen". Do vậy, từ khi các đối tượng rải tờ rơi cho vay nặng lãi đến đường dây của chúng với thủ đoạn tinh vi đều bị bắt giữ, triệt phá.

Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, phần lớn các đối tượng cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi thường thuê các "đàn em" đến từng căn nhà, dãy phòng trọ trong các khu dân cư để rải các tờ rơi cho vay tiền nóng, thủ tục đơn giản.

Bọn chúng thường rải tờ rơi từ lúc nửa đêm đến rạng sáng. Khi thì chúng dán trước cửa, tường nhà người dân, hoặc vứt bừa bãi trước cửa nhà, phòng trọ. Tuy được tuyên truyền về thủ đoạn, phương thức của tội phạm cho vay nặng lãi trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều nạn nhân vẫn "dính bẫy" của các đối tượng. Bởi lẽ, bọn chúng nhắm đến "con nợ" là những người ít sự hiểu biết, người lao động, bán vé số có hoàn cảnh khó khăn để cho vay.

vay1.jpg -0
Đối tượng Vũ Văn Thọ cùng tang vật.

Điển hình, Vũ Văn Thọ (SN 1991, ngụ xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vào tỉnh Tây Ninh để hoạt động cho vay nặng lãi. Thọ thừa nhận: "Em từ Thanh Hóa vào thuê căn nhà A306 khu đô thị Thuận Lợi, xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng để hoạt động cho vay chưa đầy một năm thì bị Công an bắt giữ".

Cụ thể, vào tháng 4/2022, Thọ thuê số nhà A306, rồi lên mạng xã hội đặt hàng ngàn tờ rơi quảng cáo có in nội dung cho vay có giới thiệu số điện thoại của mình. Ban đêm, Thọ dùng xe mô tô BKS: 72F1- 073.30 rảo quanh các tuyến đường của huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng để rải tờ rơi.

Sau đó, có hàng chục người dân nghèo (phần lớn là công nhân, thợ hồ, bán vé số...) gọi điện thoại cho Thọ để vay từ 3 đến 40 triệu đồng. Khi vay tiền, Thọ buộc "khách hàng" phải đưa căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, thì Thọ mới cho vay.

Để tránh sự phát hiện, Thọ yêu cầu "khách hàng" không tiết lộ việc mình vay nợ với người khác. Trung bình, người vay 10 triệu đồng, phải đóng phí là 500.000đ và góp 25 ngày (mỗi ngày góp 500.000đ), tương đương 30%/tháng và 360%/năm. Hàng ngày, Thọ đến nhà "khách hàng" để thu tiền hoặc con nợ chuyển tiền vào số tài khoản cho Thọ. Đến thời điểm bị bắt, Thọ đã cho vay hơn 300 triệu đồng.

Qua nhiều ngày đêm đeo bám, vào ngày 17/2, trên đường ĐT782, thuộc ấp 5, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, Công an huyện Gò Dầu phát hiện, bắt quả tang Thọ và Tô Vũ Cường (SN 1988, ngụ Thanh Hóa) đang rải tờ rơi có in nội dung cho vay và số điện thoại của Cường và Thọ.

Tang vật tạm giữ, gồm: 5150 tờ rơi quảng cáo có nội dung cho vay, 1 xe mô tô, 1 giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, 1 thẻ ATM, 1 điện thoại di động, 880.000đ. Khám xét nơi ở của 2 đối tượng, Công an thu giữ thêm 34 căn cước công dân, 7 chứng minh nhân dân, 5 sổ hộ khẩu, 4 giấy phép lái xe, 4 giấy chứng nhận đăng ký xe, 2 bảo hiểm y tế, 1 giấy phép kinh doanh...

Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm cho vay nặng lãi, nên từ "gốc" đối tượng rải tờ đơn vừa đến địa bàn, manh nha hoạt động đã nhanh chóng bị Công an phát hiện, bắt giữ.

Mới đây, lúc 1h ngày 24/2, tại khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạnh, Công an TP Tây Ninh bắt quả tang Lê Hà Quang Đạt (SN 2000, ngụ huyện Sa Thầy, Kon Tum) và Nguyễn Hữu Hoà (SN 2000, ngụ huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) rải 7500 tờ rơi có nội dung thể hiện việc quảng cáo cho vay tiền.

Đến 2h cùng ngày, tại hẻm 24, đường Điện Biên Phủ thuộc khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạnh, Công an bắt quả tang Lê Minh Hiếu (SN 2005, ngụ huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) rải 3000 tờ rơi quảng cáo có nội dung thể hiện việc cho vay tiền. Vào lúc 0h ngày 4/4, Công an TP Tây Ninh bắt  quả tang Trần Văn Đại (SN 1997, ngụ thị xã Hòa Thành) rải 2000 tờ rơi cho vay nặng lãi trước nhà các hộ dân trên đường Nguyên Hữu Thọ, thuộc phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh.

Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo: Hiện nay, các đối tượng cho vay "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao cho vay lãi nặng qua app với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Do vậy, người dân cần chủ động tìm hiểu thêm về các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thủ đoạn tội phạm liên quan đến tín dụng đen qua app.

Người dân cần đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn.

Để đẩy lùi tội phạm trên, người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm. Khi người dân phát hiện các đối tượng nghi vấn đến địa bàn cư trú hoặc có biểu hiện hoạt động phạm tội "tín dụng đen" thì báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời phối hợp bắt giữ, xử lý...

N.Minh - C.Bình
.
.
.