Ngăn chặn "tín dụng đen" ở Đắk Lắk

Thứ Năm, 23/11/2023, 06:28

Sau đại dịch COVID-19, đến nay nền kinh tế tuy đã dần hồi phục trở lại nhưng đời sống một bộ phận người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động bị mất việc làm, ốm đau, bệnh tật, không làm chủ được chi tiêu, không có thu nhập ổn định. Trong khó khăn, nhiều người đã tìm đến "tín dụng đen", vay lãi nặng.

Bà Ng.T.A. (trú tại TP Buôn Ma Thuột) cho biết, vì gia đình có việc cần tiền gấp nên đã đăng ký vay 10 triệu đồng qua ứng dụng trực tuyến (app vay tiền). Để làm thủ tục vay, bà A. phải chụp hình CCCD và cung cấp số tài khoản ngân hàng gửi lên app vay. Sau đó, tài khoản ngân hàng của bà tự động nhận được tiền giải ngân. Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ có một nửa số tiền vay và thời hạn vay chỉ có 1 tuần kể từ ngày được giải ngân. Đến hạn thanh toán, do không lo được tiền để trả nên bà A. bị các đối tượng cho vay bêu xấu bằng cách ghép hình ảnh, thông tin vào "lệnh truy nã" tung lên các trang web. Quá hoảng sợ, bà A. phải vay tiền từ một ứng dụng khác để trả nợ app vay tiền kia. "Lãi mẹ đẻ lãi con", từ 10 triệu vay ban đầu, chỉ sau vài tháng, giờ bà A. phải trả nợ với số tiền hơn 100 triệu đồng.

no luc (3).jpg -0
Công an TP Buôn Ma Thuột bắt giữ các đối tượng từ tỉnh ngoài đến địa phương hoạt động cho vay lãi nặng.

Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, bà H'Riăng Niê (SN 1964, trú tại buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana) là một trong những nạn nhân của "tín dụng đen". Vào tháng 6/2023, con rể bà nhặt một tờ rơi quảng cáo về việc vay tiền nhanh gọn, bà H'Riăng Niê cũng đang có nhu cầu vay tiền để trả nợ tiền phân bón nên nhờ con rể gọi điện thoại vào số trên tờ rơi để liên hệ vay tiền.

Rất nhanh chóng, ít ngày sau, có hai thanh niên đi xe máy đến tận nhà cho bà vay 30 triệu đồng mà chỉ yêu cầu con rể đưa CCCD và giấy phép lái xe máy. Ngoài ra, bà H'Riăng Niê không phải thế chấp bất kỳ tài sản nào khác nhưng người cho vay yêu cầu mỗi ngày bà phải trả góp 750.000 đồng/ngày, trả trong vòng 50 ngày (tức phải trả tổng cộng 37,5 triệu đồng). "Khi giao tiền, người ta chỉ đưa cho gia đình tôi 27 triệu đồng và giữ lại 3 triệu đồng trả cho 5 ngày góp đầu tiên, những ngày sau đó chúng tôi đều phải trả góp số tiền trên", bà H'Riăng cho hay.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đối tượng cho vay thường đánh vào tâm lý người dân như thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản. Tuy nhiên, lãi suất mà người vay phải trả trên thực tế cao hơn rất nhiều so lãi suất ghi trong hợp đồng, thông thường từ 3.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, có trường hợp cao hơn nữa. Khi "lãi mẹ đẻ lãi con", số tiền lãi phải trả gấp nhiều lần số tiền gốc đã vay, người vay vướng vào vòng xoáy nợ nần, bế tắc.

Có thể nhận thấy tội phạm "tín dụng đen" thường đi liền với các loại tội phạm về hình sự, ma túy, lô đề, cờ bạc, các hành vi cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác... Cụ thể, khi con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng gây sức ép bằng cách bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa, hoặc thậm chí là bị bắt giữ trái pháp luật, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

"Để ngăn chặn hoạt động của loại tội phạm này, từ đầu năm 2023, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội nổi lên trong từng thời điểm, tập trung vào tội phạm hoạt động dưới dạng băng nhóm, tội phạm hình sự nguy hiểm hoạt động lưu động, liên tuyến, liên tỉnh, tội phạm liên quan "tín dụng đen"... Đến nay, cơ quan Công an đã đấu tranh triệt phá 25 vụ, 41 đối tượng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", khởi tố 23 vụ, 37 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", Đại tá Nguyễn Văn Bôn thông tin. Một số vụ việc điển hình như vào cuối tháng 4/2023, Công an TP Buôn Ma Thuột đã triệt xóa một nhóm đối tượng ngoại tỉnh đến địa phương hoạt động "tín dụng đen" quy mô rất lớn, lãi suất lên đến 600%/năm. Các đối tượng bị bắt giữ Lê Văn Khánh, Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Hoàng (cùng trú huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Theo kết quả điều tra, ba đối tượng rủ nhau vào tỉnh Đắk Lắk để hoạt động cho vay nặng lãi bằng cách lập tài khoản Facebook mang tên "Cho góp ngày Buôn Ma Thuột" để đăng thông tin cho vay tiền, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Chỉ trong 2 tháng, nhóm này đã cho khoảng 300 người vay, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, lãi suất 15.000 - 25.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương từ 365 - 600%/năm.

Một vụ việc khác, cuối tháng 10/2023, Phòng CSHS Công an tỉnh đã bắt giữ đối tượng Đinh Đức Trọng (trú huyện Ba Vì, TP Hà Nội) đến Đắk Lắk để hoạt động "tín dụng đen". Cụ thể, giữa tháng 7/2023, Trọng đến TP Buôn Ma Thuột thuê trọ. Đối tượng này in 2.000 thẻ card với nội dung "Cho vay góp ngày" kèm số điện thoại rồi đi phát cho người dân trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Khi có người gọi điện hỏi vay tiền thì Trọng sẽ đến tận nhà kiểm tra các giấy tờ liên quan rồi làm thủ tục cho vay tiền. Với hình thức này, Trọng đã cho hơn 20 người tại tỉnh Đắk Lắk vay với số tiền trên 270 triệu đồng, lãi suất từ 282,5 - 365%/năm, thu lợi bất chính hơn 60 triệu đồng.

Mới đây nhất vào ngày 21/11, Công an huyện Krông Pắk đã tiến hành bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Thị Hương Huyền (SN 1975, trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk) và Văn Thị Ngọc Hà (SN 1981, trú tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) để điều tra, xử lý về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Theo điều tra, do nắm bắt được nhu cầu cần vay tiền của một số tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn huyện, Huyền và Hà đã tìm đến cho vay với lãi suất từ 121,67% đến 243,3%. Cụ thể đối với đối tượng Huyền, từ tháng 7/2023 đến nay, Huyền đã đứng ra cho 55 người vay tiền bằng hình thức đóng lãi hằng ngày, tổng số tiền cho vay hơn 1,7 tỷ đồng, với lãi suất 121,67%, Huyền thu lợi bất chính số tiền hơn 100 triệu đồng. Còn đối tượng Hà, từ tháng 1/2022 đến nay đã cho tổng cộng hơn 70 người vay tiền, tổng cộng hơn 2 tỷ đồng, lãi suất từ 121,67% đến 243,3%, thu lợi bất chính hơn 200 triệu đồng…

Đại tá Nguyễn Văn Bôn cho biết, công tác đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm liên quan đến "tín dụng đen" gặp nhiều thách thức do các đối tượng thường xuyên thay đổi chỗ ở, hoạt động lén lút, với nhiều thủ đoạn tinh vi, trá hình, biến tướng bằng các hình thức, vỏ bọc khác nhau. Bên cạnh đó, việc tiến hành giao dịch trong các hoạt động thường rất kín đáo, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng. Mặc dù bị trấn áp mạnh nhưng loại tội phạm này vẫn còn những diễn biến phức tạp, tồn tại âm ỉ.

"Để tránh những hậu quả, hệ lụy từ "tín dụng đen", người dân khi có nhu cầu vay tiền làm ăn, kinh doanh cần tìm đến những kênh cho vay chính thống như ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng hợp pháp. Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của "tín dụng đen", phải báo ngay cho lực lượng Công an hoặc cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết", Đại tá Nguyễn Văn Bôn khuyến cáo.

Văn Thành
.
.
.