Ngăn chặn “tín dụng đen” lộng hành ở Long An
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu các đơn vị liên quan cần tăng cường các hoạt động kiểm tra các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nghi vấn có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; rà soát các bất cập, vướng mắc khi áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” trên địa bàn để xử lý nghiêm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng… để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vay, không vướng vào “tín dụng đen”…
Ttong 10 tháng của năm 2023, Công an tỉnh Long An đã khởi tố 7 vụ với 13 đối tượng về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Công an tỉnh đã tổ chức rà soát, kiểm tra 709 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh để kịp thời ngăn chặn hành vi hoạt động “tín dụng đen”.
Nhiều đối tượng từ các tỉnh, thành khác đến Long An hoạt động “tín dụng đen” đã bị Công an các huyện, thị trấn triệt phá. Đơn cử như vụ nhóm Phan Văn Hải (SN 1977), Quách Văn Chính (SN 2003), Nguyễn Viết Chiến (SN 1987), cùng ngụ TP Hà Nội) và Nguyễn Hữu Phúc (SN 1997, quê Phú Thọ) bị Công an huyện Tân Thạnh khởi tố về tội “cho vay lãi nặng”. Năm 2022, nhóm của Hải từ Hà Nội vào Long An thiết lập đường dây cho cả trăm người dân ở các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức vay với lãi suất 720%năm.
Cuối năm 2022, Nguyễn Văn Giang (SN 1996, ngụ TP Hà Nội) và Đỗ Hải Vân (SN 2006, quê Hà Nam) từ Hà Nội và TP Tân An, Long An thuê nhà ở và thiết lập đường dây cho vay lãi nặng ở Long An và Tiền Giang, cho vay từ 2 triệu đến 20 triệu đồng, lãi suất 30%/tháng. Tính đến thời điểm bị bắt, Giang đã cho hàng chục người vay với lãi suất cao, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết, Công an các cấp trong tỉnh đã triển khai các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, kịp thời phát hiện xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, không để hình thành điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân. Qua đó, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động "tín dụng đen" được kiềm chế. Các đối tượng không còn hoạt động công khai, các hành vi đòi nợ, xiết nợ, lén lút rải, dán các tờ rơi quảng cáo cho vay giảm, góp phần bảo đảm ANTT của địa phương.
Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong tỉnh sơ kết năm thứ tư thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhận định, tình trạng "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Long An đã được kiềm chế, kéo giảm, nhưng vẫn còn tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT ở địa phương.
“Hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho vay, mở rộng mạng lưới các tổ chức tín dụng ở địa bàn khu, cụm công nghiệp, khu đông dân cư, vùng sâu, vùng xa… Có như vậy người dân mới có thể tiếp cận và không rơi vào vong xoáy của “tín dụng đen” khiến gia đình người vay bị “khủng bố” tinh thần, xã hội bất ổn”- Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh.