Nên làm gì trước “ma trận” app vay tiền trực tuyến?

Thứ Tư, 19/10/2022, 15:16

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, khi nhu cầu tài chính của người dân tăng cao đột biến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ghi nhận rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực này...

Tại tọa đàm: “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Thực trạng và giải pháp” do Báo Công Thương tổ chức sáng ngày 19/10, ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, khi nhu cầu tài chính của người dân tăng cao đột biến, Cục đã ghi nhận rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực này.

Ông Hồ Tùng Bách cho biết, tại Việt Nam có một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ, cũng như chưa được trang bị kỹ năng tiêu dùng tài chính.

Trong khi đó, ngoài các ngân hàng, công ty tài chính hoạt động tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh thì ngày càng có nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, hoặc lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo, thậm chí xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, khi nhu cầu tài chính của người dân tăng cao đột biến, Cục CT&BVNTD đã ghi nhận rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực này.

Năm 2020, Cục này đã tiếp nhận hơn 1.500 vụ việc khiếu nại, trong đó, số lượng vụ việc khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng chiếm tỷ lệ gần 10% (giá trị tuyệt đối khoảng 150 vụ việc), đứng vị trí thứ 2 trong nhóm hàng hóa, dịch vụ có nhiều khiếu nại gửi tới Cục.

Người tiêu dùng nên làm gì trước “ma trận” app vay tiền trực tuyến? -0
Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Sang năm 2021, số lượng vụ việc khiếu nại về tài chính, ngân hàng gia tăng, chiếm 8% trong tổng số gần 2.600 vụ việc khiếu nại gửi tới Cục (giá trị tuyệt đối khoảng 200 vụ việc, tăng hơn so với con số 150 vụ việc của năm 2020). Tuy nhiên, xét về vụ việc, thì nhóm hàng hóa liên quan đến bảo hiểm, tài chính, ngân hàng chỉ đứng vị trí thứ 7 trong tổng số 21 nhóm hàng hóa, dịch vụ có khiếu nại.

Nội dung khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có những nội dung tương đối phù hợp với diễn biến trên thị trường. Theo đó, nếu như năm 2020 chủ yếu khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến quá trình ký kết hợp đồng cho vay như: Cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ; hình thức giao kết hợp đồng không đảm bảo đúng phát luật… thì đến năm 2021, nội dung khiếu nại lại liên quan đến việc thực hiện hợp đồng cho vay.

Trong đó, nổi bật là các hành vi thu nợ, nhắc nợ kèm theo hành vi quấy rối, đe dọa, thậm chí là gọi điện thu nợ nhầm người không có khoản vay với các công ty tài chính, ngân hàng.

Thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, trên không gian mạng hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến thông qua website, qua các ứng dụng (app) trên điện thoại di động, trong số đó có nhiều app cho vay tiền không được cơ quan Nhà nước quản lý, dẫn đến nhiều trường hợp người tiêu dùng bị “sập bẫy tín dụng đen”. Thực trạng này ngày càng phổ biến, gây nhức nhối trong xã hội.

Người tiêu dùng nên làm gì trước “ma trận” app vay tiền trực tuyến? -0
Bộ Công an triệt phá ổ nhóm cho vay qua app, chuyên "khủng bố" con nợ, lãi suất “cắt cổ” lên tới 2.000%/năm. Ảnh: CA

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, sự phát triển của không gian mạng với “muôn hình, vạn trạng” các ứng dụng, cùng rất nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh cho vay tài chính tiêu dùng khiến người tiêu dùng bối rối trước “ma trận” về dịch vụ này. Với “ma trận” này, người tiêu dùng của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới luôn luôn là thế yếu, thế bị động. Do đó, quyền lợi người tiêu dùng thường bị xâm hại.

Cùng với đó, ông Vũ Văn Trung cho hay, Hội thường xuyên tiếp nhận những khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó có những khiếu nại của người tiêu dùng về lĩnh vực tài chính. Gần đây nhất, Hội đã tiếp một người tiêu dùng tại Hà Nội, anh này đã đến trực tiếp văn phòng Hội xin tư vấn về sự việc anh này tới ngân hàng để vay tín dụng tiêu dùng, tuy nhiên nhân viên ngân hàng lại yêu cầu thực hiện mua bảo hiểm tín dụng và nếu muốn số tài khoản tín dụng đẹp thì phải trả phí. Trước sự việc này, Hội cho biết, hiện không có quy định việc bắt buộc người vay phải mua bảo hiểm. Đối với bảo hiểm tiền gửi thì có thể có, nhưng bảo hiểm đối với người vay thì không có lý và không bắt buộc. Bên cạnh đó, việc cung cấp sổ tín dụng đẹp người tiêu dùng phải mất tiền mua cũng là việc vô lý. Do đó, Hội đã khuyên người tiêu dùng này phải thận trọng, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì cần dừng lại, tìm hiểu và không nên tin tưởng vào dịch vụ đó, tránh thiệt hại về mọi mặt.

Để bảo vệ người tiêu dùng, tránh trở thành nạn nhân trong các giao dịch tài chính, “ngân hàng, tín dụng đen”, bên cạnh việc cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng, ông Hồ Tùng Bách cho rằng, việc tư vấn chủ động của hoạt động tài chính tiêu dùng rất quan trọng bởi vì đôi lúc, trong hoàn cảnh cần vay tiền gấp, người tiêu dùng có thể bỏ qua việc tìm hiểu thông tin.

Khi đó, nếu nhân viên tư vấn thể hiện sự nhiệt tình, chủ động trong việc tư vấn và cung cấp thông tin thì sẽ là một trong những biện pháp tốt nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của khách hàng, giúp khách hàng hiểu được và lựa chọn được gói vay phù hợp. Đồng thời, sẽ tránh được các rủi ro phát sinh mà người tiêu dùng không lường trước được do không hiểu đầy đủ thông tin và dẫn đến những hệ quả về sau.

Từ thực tế trên cho thấy, “vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính nói riêng hiện được nhiều cơ quan tham gia, nên trước hết người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ dịch vụ, cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo, đồng thời khi thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, lập tức phản ánh tới các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chắc chắn quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được đảm bảo tốt hơn”, ông Vũ Văn Trung nói.

Ông Hồ Tùng Bách mong muốn, trong thời gian tới, qua các kênh thông tin, người tiêu dùng sẽ có thêm kiến thức, biết thêm về những rủi ro có thể phát sinh khi sử dụng dịch vụ tiêu dùng. Đặc biệt, trong sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay, hình thức cho vay trên môi trường trực tuyến có nhiều mô hình biến tướng hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng biết được các thông tin, để lựa chọn các đơn vị, công ty có uy tín trong lĩnh vực này, hay hiểu rằng có hệ thống quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Hệ thống đó là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam luôn sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng khi họ có những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực tiêu dùng tài chính.

Ngoài ra, hiện Cục CT&BVNTD đang vận hành Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số18006838. Đây là Tổng đài miễn cước cuộc gọi và luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các vấn đề phát sinh của người tiêu dùng. Khi có bất cứ vấn đề gì không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng tài chính mà những vấn đề liên quan đến thực thi pháp luật trong lĩnh vực tiêu dùng nói chung, người tiêu dùng có thể liên hệ tới Tổng đài của Cục CT&BVNTD để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ.

Lưu Hiệp
.
.
.