Chặn đứng tội phạm núp bóng doanh nghiệp, công ty

Nâng cao sức “đề kháng” cho người dân (bài cuối)

Thứ Ba, 11/04/2023, 05:58

Không chỉ sớm nhận diện, đấu tranh quyết liệt với tội phạm núp bóng doanh nghiệp, công ty hoạt động “tín dụng đen”, cưỡng đoạt tài sản, lãnh đạo Bộ Công an còn chỉ đạo các cục nghiệp vụ, Công an toàn quốc tăng cường kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, xây dựng, kiến nghị những cơ chế giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận nguồn vốn vay, tránh sa vào “bẫy” tín dụng của những “mầm độc”.

“Bịt kín” những lỗ hổng

Trong phiên họp hội ý nghiệp vụ mới nhất giữa các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an với Công an các địa phương gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Lào Cai, Nghệ An, Bến Tre, Đồng Nai, Thanh Hóa, Bình Dương và Quảng Nam do đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì, ngày 30/3 vừa qua tại Tiền Giang, các đại biểu đã đánh giá kỹ những phương thức, thủ đoạn hoạt động gây án của các băng, ổ nhóm, công ty, doanh nghiệp hoạt động tội phạm theo phương thức núp bóng.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công an cũng như các đơn vị cũng phân tích sâu về nguyên nhân hình thành các hoạt động “tín dụng đen”, những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh với hệ, loại tội phạm này. Cùng với đó, làm rõ hai vế “cung – cầu” để xác định lời giải cho bài toán bịt kín những “lỗ hổng”, triệt tận gốc mầm mống tội phạm này, bên cạnh việc đấu tranh, tấn công trấn áp, xử lý quyết liệt các đối tượng vi phạm.

Qua các chuyên án đấu tranh, cơ quan điều tra xác định khách hàng vay tiền của các ứng dụng trên mạng chủ yếu là học sinh, sinh viên, công chức, người có thu nhập thấp, đang có nhu cầu vay tiền nhưng lại mang tâm lý ngại đến giao dịch tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng có uy tín. Cùng với đó, một bộ phận lớn số khách hàng của hoạt động này thuộc thành phần ăn chơi, đua đòi, vay mượn tiền để giải quyết nhu cầu cá nhân chứ không đầu tư kinh doanh, làm ra lợi nhuận cho xã hội. Với chiêu trò đánh vào tâm lý, nhu cầu của người vay nhanh chóng dễ dàng giải ngân, không ít người đã sập bẫy “tín dụng đen”, đặc biệt là vay tiền trên các nền tảng mạng xã hội, công nghệ, app.

Hiện nay, ở một số địa phương, hoạt động cầm đồ, cho vay tín dụng của một số tổ chức dưới hình thức núp bóng công ty, tổ chức tín dụng vẫn diễn ra. Chúng sử dụng website, phần mềm để quản lý hoạt động cho vay, cầm cố giấy tờ tùy thân nhưng thu thêm nhiều khoản phí để lách quy định của pháp luật. Trên thực tế, tiền lãi và tiền phí quy ra lãi suất lên tới 90%/năm, thậm chí lên tới hàng nghìn %/năm. Khi người vay không trả đúng hẹn, nhân viên của công ty này sẽ khóa phương tiện, đưa về kho bãi, cưỡng đoạt tài sản.

Hoạt động mua bán nợ, đòi nợ thuê cho các công ty tài chính mang lại “siêu lợi nhuận” cũng chính là một trong những nguyên nhân, điều kiện thúc đẩy, hối thúc động cơ phạm tội. Các đối tượng phạm tội sử dụng mọi thủ đoạn để che giấu hành vi, ngụy trang bằng cách lập ra nhiều công ty “ảo”, công ty “ma”. Thêm nữa, hoạt động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng, các cơ quan tài chính hợp pháp phần nào đó chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn trong xã hội. Tình trạng nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân không có đủ điều kiện, không tiếp cận được nguồn vốn vay ngôn hàng buộc phải tìm đến “tín dụng đen” vẫn xảy ra.

Trong khi đó, thủ tục liên quan đến vay mượn “tín dụng đen” lại rất dễ dàng, nhanh chóng, kín đáo, chỉ cần thỏa thuận thậm chí bằng miệng là có thể cầm tiền hoặc trả lời thông qua xác tín trên các nền tảng xã hội là đã “giải ngân” xong. Chính vì vậy, những cái bẫy “tín dụng đen” do các đối tượng giăng ra vẫn tóm được những con nợ.

Nhìn nhận một trong những điều kiện thuận lợi đang được các đối tượng tội phạm triệt để lợi dụng để gây án, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh giá, đó chính là đối tượng sử dụng sim rác, tài khoản ảo, mạng xã hội. Cùng với các hoạt động cho vay là những thủ đoạn đòi nợ được các đối tượng sử dụng sim điện thoại “rác”, mạng xã hội để nhắn tin, gọi điện… thu hồi nợ từ khách hàng. Thông qua những kênh liên lạc này, chúng đe dọa, khủng bố tinh thần của người vay nhằm mục đích đòi nợ, gây bức xúc dư luận xã hội.

Để bịt kín những “lỗ hổng” trên, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an tăng cường trao đổi, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo quyết liệt những doanh nghiệp viễn thông, Internet quản lý chặt tình trạng mua bán sim, quản lý thông tin đăng ký của khách hàng, các nhà mạng; thu hồi, hủy những sim, tài khoản có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cũng như gỡ bỏ những nền tảng app cho vay “tín dụng đen” đầu độc người vay trên không gian mạng.

1.jpg -0
Lực lượng Công an cơ sở tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng VNeID, cách thức nhận biết những thủ đoạn của tội phạm để phòng ngừa cạm bẫy “tín dụng đen”.

Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đấu tranh

Trong thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chuyên đề và các phương án để chỉ đạo toàn lực lượng chủ động nhận diện, áp dụng quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh kéo giảm 5% tội phạm về trật tự xã hội một cách bền vững, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, văn minh. Năm 2022 và quý 1/2023, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của Cơ quan CSĐT Công an các cấp đã đạt được những kết quả tích cực.

Thống kê của Văn phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an cho thấy, tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm sâu (năm 2022 kéo giảm 10,86% so với cùng kỳ năm 2019). Để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với hệ, loại tội phạm này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, triển khai quyết liệt, tổng hợp nhiều biện pháp.

Dưới góc độ quản lý hành chính, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch thông tin thuê bao điện thoại, định danh tài khoản ngân hàng. Theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, việc “làm sạch” thông tin thuê bao di động, đảm bảo thuê bao hoạt động thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và định danh tài khoản ngân hàng có ý nghĩa to lớn trong việc triệt tiêu những “công cụ”, điều kiện thuận lợi cho các đối tượng gây án bằng công nghệ cao. Những biện pháp này cũng sẽ góp phần phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm công nghệ cao, đòi nợ trái pháp luật nói riêng.

Cục Cảnh sát hình sự cũng dự báo, trong thời gian tới hoạt động của tội phạm về trật tự xã hội sẽ có những diễn biến phức tạp, với xu hướng chính là truyền thống, truyền thống kết hợp phương thức mới, thủ đoạn mới. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm cưỡng đoạt tài sản núp bóng những doanh nghiệp, công ty luật, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21 và 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Với kinh nghiệm là một trong những đơn vị Công an đầu tiên trên cả nước triển khai Kế hoạch 231 đấu tranh với “tín dụng đen” từ nhiều năm trước, bên cạnh những giải pháp mang tính căn cơ, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng nêu bật vai trò của giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cảnh giác cho người dân; giúp người dân không trở thành nạn nhân của các đối tượng cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản; kịp thời tố giác những hành vi phạm tội hoặc không tiếp tay, tham gia các hoạt động phạm tội. Trong thời gian qua, cả nước xảy ra nhiều vụ án, đối tượng lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo.

Công an Hà Nội cũng kiến nghị và đề xuất Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định trong quản lý những công ty, tổ chức tín dụng có chức năng trung gian thanh toán điện tử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo các công ty tài chính, tổ chức tín dụng có liên quan đến hoạt động trung gian thanh toán để kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm. Đặc biệt, yêu cầu các công ty trung gian thanh toán khi ký kết với hợp đồng cá nhân, cơ quan, tổ chức phải nêu rõ nội dung thanh toán, nếu thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền xác minh, làm rõ; kiểm tra rà soát các tài khoản ngân hàng “ảo” được những đối tượng lừa đảo sử dụng vào mục đích không chính đáng, phạm tội.

Không chỉ biểu dương các cục nghiệp vụ, Công an Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an Tiền Giang,… lãnh đạo Bộ Công an cũng lưu ý và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phải tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản trên các lĩnh vực, chuyên đề trong đó có tội phạm núp bóng hoạt động “tín dụng đen”. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ở các chi nhánh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp tại địa phương rà soát hoạt động của các công ty tài chính, công ty hoạt động mua bán nợ, đầu tư, dịch vụ tài chính, văn phòng luật… có biểu hiện hoạt động núp bóng, móc nối với các đối tượng xấu để hoạt động “tín dụng đen”, qua đó, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm, đối tượng phạm tội. Cùng với đó, tập trung rà soát các đối tượng, băng nhóm, công ty núp bóng hoạt động “tín dụng đen”, các website, app, số điện thoại đăng tin, quảng cáo cho vay, đòi nợ, các vụ việc, tin báo có liên quan để xác minh, xử lý nghiêm.

Hoàng Phong
.
.
.