Muôn kiểu "tín dụng đen" khiến người dân lao đao

Thứ Bảy, 17/09/2022, 08:02

Hoạt động "tín dụng đen" không chỉ ở những thành phố lớn mà đi về các tỉnh, vùng quê với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Trong thời gian qua, Công an TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã tập trung rà soát nắm tình hình và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ bắt giữ nhiều vụ, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ, siết nợ…

Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Công an TP Ninh Bình cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Công an TP đã đồng loạt triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Do đó, tình hình tội phạm và vi phạm phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" có những chuyển biến tích cực, không còn công khai, lộng hành như trước, tình trạng treo biển, phát tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh, hoạt động đòi nợ không còn diễn biến phức tạp. Ngay khi vừa mới manh nha hình thành đã triệt phá, bắt giữ không để tồn tại kéo dài, gây phức tạp trong dư luận.

Mới đây, Công an TP Ninh Bình đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ các đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cụ thể, ngày 15/9/2022, Công an TP đã tạm giữ hình sự đối tượng Tạ Quang Hùng (SN 1980), trú tại phố Hương Phúc, phường Ninh Sơn, TP Ninh Bình để điều tra về hành vi nêu trên.

Tại cơ quan Công an, Hùng khai nhận, từ tháng 7/2021 đến nay, đối tượng Hùng đã cho 4 người vay với lãi suất từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương với mức lãi suất 144%/ năm đến 180%/ năm). Tổng số tiền Tạ Quang Hùng cho vay là trên 600 triệu đồng, thu lợi bất chính khoảng 200 triệu đồng.

Muôn kiểu
Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra, ký cam kết của cơ sở kinh doanh đảm bảo ANTT.

Cũng trong tháng 9, Công an TP Ninh Bình đã bắt giữ đối tượng Đinh Thị Huế (SN 1997), trú tại phố Phúc Tân, phường Phúc Thành, TP Ninh Bình về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cơ quan Công an làm rõ, từ tháng 8/2017 đến nay, Huế đã cho vay tiền với lãi suất từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương với mức lãi suất 360%/năm đến 560%/năm). Với mức lãi suất nói trên, cơ quan chức năng xác định Đinh Thị Huế thu lợi bất chính từ việc cho vay tiền là trên 1,3 tỷ đồng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Đinh Thị Huế, cơ quan Công an thu giữ 2 điện thoại di động và nhiều giấy tờ, sổ sách liên quan.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Ninh Bình làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của Nguyễn Trọng Hải (SN 1971), trú tại phường Ninh Khánh. Theo đó, tháng 12/2021, Hải cho Phạm Thị Mai và Vũ Thị Minh Phương, trú tại TP Ninh Bình vay tiền với lãi suất từ 4.000 đồng đến 6.000 đồng/1 triệu/1 ngày với tổng số tiền cho vay trên 500 triệu đồng, thu lời bất chính hơn 200 triệu đồng.

Ngày 22/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Ninh Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Trọng Hải.

Trưởng Công an TP Ninh Bình, Đại tá Nguyễn Quốc Tuấn cho hay, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đã lợi dụng công nghệ, mạng xã hội mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên vay tiền.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chuyển hướng lập doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng người lớn có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (nhưng thực chất thay tiền lãi bất chính); vay số tiền nhỏ, thời gian ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.

Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới nhiều hình thức, chúng nhắm tới những người kinh doanh nhỏ, lẻ, thanh, thiếu niên, các đối tượng cần tiền vay nóng phục vụ hoạt động kinh doanh, các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân hoặc sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như đánh bạc, sử dụng ma túy…

Hoạt động cho vay qua app, website phát triển, bên cạnh các ứng dụng cho vay chính thống của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính hoạt động công khai, xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc, khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền. Các ứng dụng này có khả năng truy cập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… để có thể sử dụng vào những mục đích trái pháp luật.

Công an Ninh Bình khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu vay tiền nên tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ của các ngân hàng có uy tín.

Tuyệt đối không vay nợ của các cá nhân, tổ chức tài chính không được Nhà nước cấp phép, "núp bóng" dưới các hình thức kinh doanh như: Công ty tài chính, tiệm cầm đồ, công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; các tổ chức tài chính hoạt động biến tướng dưới các hình thức khuyến mãi, đại lý hoa hồng, huy động vốn để đầu tư… với lãi suất cao, các cá nhân, nhóm cá nhân chơi hụi, họ, phường huy động vốn với lãi suất cao bất thường, các tổ chức cho vay trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng di động với lãi suất rất cao… Khi phát hiện ra các tổ chức, cá nhân vi phạm, công dân cần báo ngay cho Công an phường, xã hoặc trực ban hình sự Công an TP Ninh Bình qua số điện thoại: 02293.891.199 để kịp thời ngăn chặn và xử lý.

Hiện nay, trên địa bàn TP Ninh Bình có 33 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, về cơ bản, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ chấp hành các quy định. Căn cứ vào kết quả khảo sát, phân loại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn, Công an TP Ninh Bình đã quyết liệt thực hiện các biện pháp công tác, tổ chức kiểm tra 5 lượt cơ sở phát hiện xử lý 21 trường hợp cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính vi phạm.

Minh Hiền
.
.
.