Lật tẩy những chiêu lách luật mới của “tín dụng đen”
Lường trước nguy cơ gia tăng của các loại tội phạm cho vay nặng lãi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, từ đầu năm 2021, Bộ Công an đã lên kế hoạch đấu tranh trấn áp, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây hoạt động “tín dụng đen”.
Ngàn lẻ chiêu lách luật
Bên cạnh cách thức quảng cáo truyền thống như: dán tờ rơi trên cột điện, tường…, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” gần đây mở rộng hoạt động thông qua cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội.
Theo đó, các ứng dụng vay không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập, thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.
Để đối phó với cơ quan chức năng, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… Các đối tượng dùng thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật. Các đối tượng còn lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay. Nhiều khi số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép.
Chưa kể, một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.
Luật sư Vũ Minh Tiến, đại diện Công ty luật VIAD cho biết, các nhóm cho vay nặng lãi dù dùng phương thức nào thì cũng luôn có những hành vi lách luật. Ví dụ, mức lãi suất cho vay ban đầu không vượt quá quy định pháp luật, nhưng sau đó khách hàng bị tính phí phạt cao ngất ngưởng nếu trả chậm hoặc vi phạm điều khoản nào đó, trong khi mức phạt là do các bên tự thoả thuận, không nằm trong quy định.
Trên thực tế, những người phải chấp nhận lãi suất “cắt cổ” và các rủi ro khác từ “tín dụng đen” đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu vốn cấp bách.
Mạnh tay với các ổ nhóm “tín dụng đen”
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 66 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; trong đó đã khởi tố 25 vụ, 88 bị can. Đáng chú ý, có 41 vụ liên quan đến đổ chất bẩn, chất thải.
Xác định hoạt động “tín dụng đen” là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã và các đơn vị nghiệp vụ khác theo dõi, siết chặt “tín dụng đen”.
Trong vụ bắt giữ các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” gần đây ở Long Biên, Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ việc một cá nhân đã nhiều lần vay tiền của nhóm đối tượng bằng hình thức bốc “bát họ” với tổng số tiền là 500 triệu đồng. Khi nhận tiền, người này đã bị nhóm đối tượng cắt lãi luôn 57 triệu đồng và chỉ nhận được 443 triệu đồng. Sau đó, người này tiếp tục vay thêm 500 triệu đồng nữa với cách thức tương tự. Trong quá trình bắt giữ nhóm tội phạm này, cơ quan điều tra còn thu giữ được súng tự chế, tuýp sắt gắn dao nhọn, bình xịt hơi cay trong nhà các đối tượng. Điều này cho thấy, đây là ổ nhóm hoạt động mang tính chất manh động bạo lực; các đối tượng sử dụng hung khí để sẵn sàng uy hiếp, ép buộc người dân phải trả nợ cho chúng.
Cơ quan điều tra xác định nhóm này quy tụ các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn cũng như tỉnh ngoài; đồng thời cho người dân vay với lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày, tức là lãi suất từ 180% trở lên trong 1 năm. Khi người vay không trả đủ hoặc trả chậm, các đối tượng đổ chất bẩn, chất thải rồi đặt vòng hoa, viết cáo phó gắn ở nhà, ở cổng, thậm chí có hành vi đe dọa giết người.
Bộ Công an nhận định, từ nay đến cuối năm do nhu cầu mua sắm và cần tiền khôi phục, phát triển kinh tế của các doanh nghiệp, “tín dụng đen” sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trong đó, một trong những loại hình cho vay nặng lãi đang gây hệ lụy cho xã hội là hình thức núp bóng cho vay ngang hàng (hay còn gọi là P2P Landing).