Không “vay app” cũng bị vu khống đòi nợ, một cô giáo mầm non kêu cứu

Thứ Ba, 26/10/2021, 16:57

Nhiều người dân trót vay tiền của các app “tín dụng đen” và bị mắc vào lãi suất cao đến mức không có khả năng thanh toán. Đến kỳ hạn, không có tiền trả, con nợ bị các đối tượng dùng mọi thủ đoạn, từ chửi bới, đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm ép phải trả tiền bằng được. Tuy nhiên, một số người dân không hề vay tiền của nhóm đối tượng này, có người cũng chỉ nhấn vào xem thôi, song vẫn bị một số đối tượng “liệt kê” thành con nợ, rồi khủng bố điện thoại, đòi tiền.

Mới đây, một cô giáo mầm non ở tỉnh Nam Định đã phải lên phương tiện truyền thông kêu cứu về việc chị không hề vay nợ của ai, của bất cứ app vay tiền nào, nhưng lại bị các đối tượng tự xưng thuộc một tổ chức tín dụng cho vay qua app gọi điện, đòi tiền.

Cô giáo T cho biết, mỗi ngày vợ chồng chị nhận được 30- 40 cuộc gọi từ những số điện thoại sử dụng sim rác, dù cả chồng và vợ không hề vay của ai. Cứ cách 4-5 phút, thậm chí 1-2 phút là một cuộc gọi, bật lên là nói rằng vợ chồng chị vay nợ tiền. Chị cũng đã gọi lại một số điện thoại, thì người ở đầu dây bên kia nói rằng, đây là bộ phận thu hồi nợ của một công ty tài chính, chị đã bị chuyển nợ từ một người khác. Chị T nói không nhận chuyển nợ từ ai cả, nhưng vẫn bị các đối tượng ép trả nợ, các đối tượng đe dọa nếu  không trả sẽ gọi điện khủng bố tinh thần tất cả những người thân quen của chị.

Không “vay app” cũng bị vu khống đòi nợ, một cô giáo mầm non kêu cứu -0
Nạn nhân không vay cũng bị khủng bố đòi nợ, lên tiếng kêu cứu.

Ngày hôm sau, vì chị T không vay tiền nên không thể trả, các đối tượng đã gọi điện cho cha mẹ chị ở quê khủng bố tinh thần, nói rằng chị vay nợ tiền của chúng, ép gia đình chị phải trả. “Các đối tượng còn gọi cho cả những người thân và bạn bè, đồng nghiệp ở cơ quan chị. Hành vi của các đối tượng không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống của vợ chồng tôi, mà còn ảnh hưởng đến uy tín, nhân phẩm và danh dự của chúng tôi” – chị T bức xúc chia sẻ. 

Cùng hoàn cảnh với cô giáo T là chị P.N, trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Chị cũng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các app “tín dụng đen”. Theo chị P.N cho biết, chị mới đăng ký app vay vàng với số điện thoại mà chưa hề được giải ngân. Sau đó, tự nhiên, chị P.N thấy các đối tượng của app gọi điện đến và nói rằng, chị đã vay nợ 60 triệu đồng và yêu cầu thanh toán tiền theo kỳ hạn. Chị P.N giải thích là chưa hề nhận được tiền giải ngân, liền bị các đối tượng chửi bới, khủng bố tinh thần chị và cả người thân, bạn bè  với mục đích ép chị trả nợ.

Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, vu khống, chị P.N yêu cầu người của app này đến nhà giao dịch, nhận tiền, đồng thời trình báo vụ việc đến cơ quan Công an.

Theo chị P.N cho biết, bản thân chị và gia đình không khó khăn gì về tài chính, nhưng vì tò mò, thấy app quảng cáo việc cho vay quá dễ dàng với các điều khoản hấp dẫn nên đã đăng ký số điện thoại. Tuy nhiên, chị chỉ mới dừng lại ở bước đó, song đã bị các đối tượng vu khống, rồi khủng bố tinh thần. Chị cũng mong, các cơ quan chức năng sớm dẹp bỏ được nạn app “tín dụng đen” hoạt động kiểu này, để những người dân như chị không bị rơi vào tình huống “dở khóc dở cười”.

Theo cơ quan Công an, hành vi nêu trên của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/ND-CP “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”…; nặng hơn, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm về tội “Làm nhục người khác” được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Nếu ai rơi vào hoàn cảnh giống như chị T, chị P.N, đề nghị trình báo đến cơ quan Công an để nhờ can thiệp, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật.

N. Quang
.
.
.