Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức"

Thứ Sáu, 24/12/2021, 07:20

Trong thời gian 2 giờ, các vị khách mời đã trả lời đầy đủ gần 30 câu hỏi được Báo CAND lựa chọn trong hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi về Chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức". 

09:05 Bạn đọc Hoài Thu, Đà Nẵng: Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, đồng chí đánh giá thế nào về kết quả thực hiện và những nguy cơ còn tiềm ẩn?

- Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự: Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/TTG của Thủ tướng Chính phủ, kết quả đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" đã có chuyển biến tích cực; thể hiện trên một số mặt như nhận thức của người dân được nâng cao, hoạt động cho vay và đòi nợ mang tính chất băng nhóm đã giảm, các đối tượng không còn công khai, lộng hành như trước.

Trong 2 năm qua, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài ra đã xử lý hơn 1.000 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 500 đường dây liên quan tín dụng đen, hơn 300 vụ là hành vi cho vay lãi nặng. Việc xử lý những vụ việc đó đã giúp răn đe, phòng ngừa chung.

Bên cạnh kết quả, chúng tôi cũng đánh giá là tình hình tội phạm liên quan tín dụng đen còn nhiều nguy cơ và cần có thêm các giải pháp phòng ngừa. Các đối tượng cũng có dấu hiệu chuyển hướng phương thức, thủ phạm và hành vi hoạt động. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu các cấp để có những phương án tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Các vị khách mời tại buổi giao lưu.
09:15 Độc giả Nguyễn Bình (Hà Nội): Tại sao các app "tín dụng đen" vẫn tồn tại nhiều trên không gian mạng với các chiêu trò PR, dụ dỗ người dân? Đồng chí có cảnh báo gì cho người dân khi vay online không cần thế chấp?

- Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Có hai lý do chính dẫn đến tình trạng này. Đầu tiên là công tác kiểm định của những nhà sản xuất, quản lý ứng dụng trên nền tảng di động như Android hay IOS chưa thực sự chặt chẽ hoặc không có điều kiện để kiểm tra. Lý do thứ hai là nhu cầu của một bộ phận người dân, những người có nhu cầu về những khoản tiền nhỏ, dưới 10 triệu đồng để trang trải cuộc sống, như những người yếu thế, lao động, công nhân hay học sinh, sinh viên.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Đại tá Hoàng Ngọc Bách.
09:25 Độc giả Hoàng Hương: Một trong những vật cản trên thị trường tài chính tiêu dùng đó là tín dụng đen. Hiện nay hình thức này còn rất phổ biến. Chỉ cần alo, là có. Tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người vay. Ông/bà có thể cho biết những hệ luỵ và rủi ro khi người dân tìm đến hình thức vay này?

- Bà Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: Thực tế thời gian qua có rất nhiều hệ lụy và rủi ro nếu người dân tìm đến vay tín dụng đen. Người dân phải trả một mức lãi suất rất cao bao gồm cả lãi phạt cao gấp nhiều lần so với nợ gốc ban đầu. Thời gian qua có  vụ việc người vay phải trả lãi suất lên tới 1.700%/năm.

Thủ đoạn của các đối tượng là lập những hợp đồng khống trong việc mua bán tài sản gây bất lợi cho "con nợ". Khi con nợ chưa trả theo đúng hẹn, các đối tượng dùng thủ đoạn nhắn tin đe dọa và phát tán hình ảnh bôi nhọ nhân phẩm. Vì vậy người dân nếu tìm đến những tín dụng chính thức thay vì tín dụng đen thì sẽ không bị vướng vào những hệ lụy như trên. 

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Bà Đặng Thị Thanh Hồng.
09:34 Độc giả Minh Tuyến: Không chỉ người lao động phổ thông, công nhân mà sinh viên là bộ phận dân số có học thức cũng bị sa vào các bẫy tín dụng. Ông có đánh giá như thế nào về ý thức và trách nhiệm của người đi vay nợ trong các vụ việc có liên quan đến tín dụng đen trong thời gian gần đây?

Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự: Nhóm người lao động, công nhân, sinh viên là nhóm thường xuyên được các đối tượng cho vay hướng tới, vì đây là nhóm có khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức thấp hơn so với các nhóm khác. Trong thời gian qua, phần lớn các vụ việc liên quan đến tín dụng đen thường nằm ở nhóm này. Trường hợp cá biệt có hành vi vi phạm từ người đi vay.

Trung tá Đỗ Minh Phương cũng đưa ra một số khuyến nghị người đi vay, nhất là người có ý định vay từ tổ chức tín dụng không chính thống, đó là nên lường trước rủi ro về việc thông tin cá nhân có thể bị thu thập và sử dụng thông tin cá nhân bất hợp pháp, hoặc đối mặt với hành vi đe dọa, người thân có thể bị quấy rối. Người đi vay cần nâng cao trách nhiệm trong tìm hiểu thông tin về lãi suất khoản vay, hợp đồng hoặc người cho vay, góp phần bảo vệ bản thân và người thân tránh bẫy tín dụng đen.
Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Trung tá Đỗ Minh Phương.
09:38 Bạn đọc Hồng Hải: Mới đây, Báo CAND phản ánh, có rất nhiều app cho vay tiền theo kiểu “tín dụng đen” có sự quản lý, điều hành của người nước ngoài. Vấn đề này cũng được ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn Nexttech, thông tin với báo chí rằng, hiện nay có khoảng 60-70 doanh nghiệp của nước ngoài vào thị trường Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online. Ông/ bà đánh giá thế nào về động cơ của các tổ chức tín dụng này và những nguy hại, rủi ro nếu người dân Việt Nam mắc phải sẽ như thế nào?

- Đại tá Hoàng Ngọc Bách, Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Ứng dụng (app) cho vay tín dụng đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm nay, bắt đầu ở Anh từ khoảng năm 2006, sau đó xuất hiện tiếp ở các nước châu Âu rồi châu Á. Giai đoạn năm 2013-2014, những app cho vay kiểu này nở rộ tại Trung Quốc.

Phần lớn những ứng dụng dạng này hợp pháp, nhưng sau đó vẫn đã nảy sinh một số hành vi có dấu hiệu tín dụng đen tại các nước. Vì vậy, các nước đã ban hành những quy định pháp lý rất chặt chẽ về pháp nhân, về vốn và về quy định cho vay, từ đó giảm thiểu các hành vi liên quan đến tín dụng đen.

Tại Trung Quốc, từ khi chính phủ nước này siết chặt các quy định pháp lý thì số lượng ứng dụng đã giảm. Một số đối tượng đã chuyển hoạt động sang Việt Nam và một số nước lân cận rồi cấu kết với người bản địa cho vay theo dạng tín dụng đen. Đó là một thực tế!

Tôi cho rằng một yếu tố nguy hiểm ở đây là, với doanh nghiệp nước ngoài, khi khách hàng đăng ký vay, dữ liệu cá nhân của họ có thể được lưu trữ ở nước ngoài, cơ quan chức năng Việt Nam rất khó kiểm soát, khó kiểm tra. Đôi khi thông tin bên cho vay là giả, dữ liệu khách hàng có nguy cơ bị lộ, lọt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

09:40 Độc giả Hoàng Thắng: Mặc dù liên tục đưa ra các biện pháp xử lý tín dụng đen, nhưng gần đây, sau khi dịch bệnh COVID-19 kiểm soát, các địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các đối tượng cho vay nặng lãi đang có xu hướng thay đổi nơi cư trú, di chuyển giữa các địa bàn và dịch chuyển từ Bắc vào Nam “thiết lập” địa bàn để hoạt động “tín dụng đen”. Theo ông, vì sao lại có sự “dịch chuyển nội địa” này và các cơ quan quản lý cần phải có giải pháp xử lý “mạnh tay” hơn như thế nào để ngăn chặn sự “dịch chuyển” của các tổ chức “tín dụng đen” hiệu quả hơn?

- Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự: Chúng tôi đánh giá sự dịch chuyển từ Bắc vào Nam cũng chưa hẳn đúng trong bối cảnh dịch COVID-19.  Các hoạt động tín dụng đen hoạt động theo phương thức lợi dụng công nghệ cho vay và đòi nợ nhiều hơn so với giai đoạn trước.

Để phòng ngừa và kiểm soát theo đúng chức năng của Cảnh sát hình sự đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ. Trong thời gian tới để quản lý thì nơi nào đấu tranh ngăn chặn, chủ động nhận diện có hiệu quả thì những nơi đó có tỉ lệ tín dụng đen, tội phạm giảm hẳn. 

Giải pháp chúng tôi tiếp tục tham mưu cho toàn lực lượng, nắm tình hình cụ thể. Có những nơi nhận diện vấn đề chưa được toàn diện. Nhưng có những cơ quan thực hiện rất tốt. Về các nội dung liên quan đến công tác quảng bá, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục các biện pháp đấu tranh, tăng cường với các nhóm đối tượng này.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Các vị khách mời tại buổi giao lưu.
09:40 Độc giả Khánh Linh: Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội khiến hàng loạt cơ sở tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; chủ cơ sở kinh doanh thì nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Theo ông, làm thế nào để giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay uy tín nhằm giảm bớt khó khăn vượt qua đại dịch?

- Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng Giám Đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT: 

Trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 nhu cầu vay tiêu dùng có nhu cầu rất cao, để đáp ứng nhu cầu đấy và giúp đỡ người dân khó khăn các Tổ chức tài chính cho vay và các Công ty tài chính tiêu dùng đã đưa ra rất nhiều chính sách về sản phẩm cho vay cũng như giảm lãi suất để giúp đỡ người dân có thể tiếp cận. Hơn nữa trong thời đại công nghệ hiện nay, việc tìm kiếm một dịch vụ ngân hàng cho vay tài chính cũng không dễ dàng. 

Vấn đề hiện nay để người dân tiếp cận dịch vụ vay chính thống an toàn cho mình, chúng ta cần có sự phối hợp duy trì làm sao để nguồn tài chính lành mạnh cho người dân có nhu cầu vay chính thống, chủ động tiếp cận với những tổ chức tín dụng chính thống, tránh xa những rủi ro, tín dụng đen.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Ông Nguyễn Thành Phúc.
09:47 Độc giả Duy Linh: Có những đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất cực cao lên tới hơn 1000%/ 1 năm khiến hàng nghìn nạn nhân của các app “tín dụng đen” này hầu hết là những người nghèo, đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, nhiều người bị dồn đến đường cùng. Ông bà nhìn nhận như thế nào về tình trạng này? Theo ông, cần có giải pháp cấp thiết nào để bảo vệ người dân tránh sa bẫy tín dụng đen?

- Đại tá Hoàng Ngọc Bách Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: Một trong những điểm đáng chú ý của hình thức tín dụng đen là lãi suất và chi phí mà người đi vay phải chấp nhận. Đối tượng đi vay tín dụng đen thường là những người rất cần tiền, thường vay số tiền không lớn. Chính vì điều này khi họ đi vay ở các tổ chức tín dụng chính thống thì vướng nhiều thủ tục và thời gian có thể mất nhiều ngày. Với loại hình tín dụng đen, thì người vay qua hình thức gián tiếp (qua ứng dụng - qua app), người vay và người cho vay không gặp nhau trực tiếp. Khi cho vay, các đối tượng cho vay đưa ra mức lãi suất không vượt qua luật, nhưng sau đó lại đưa ra nhiều loại phí khác nhau như phí duy trì app, phí tư vấn... mà nếu cộng dồn vào thì lãi suất có thể lên tới 2-3% một ngày. 

Khi không người vay không trả nợ được các đối tượng cho vay có thể áp dụng nhiều biện pháp đe dọa, như liên hệ với người thân, công khai thông tin cá nhân, hoặc có thể đến tận nhà gây sức ép buộc "con nợ" phải trả với lãi suất rất cao.

Từ đây tôi thấy cần có một số giải pháp cấp thiết để bảo vệ người dân tránh sa bẫy tín dụng đen. như về hành lang pháp lý, chúng ta cần kiện toàn đặc biệt là cho vay ngân hàng. Truyền thông cần tuyên truyền cho người dân về "bẫy tín dụng đen", khi đi vay phải tìm hiểu kỹ. Các công ty tài chính chính thức có cách tiếp cận với khách hàng. Hiện nay các tổ chức tín dụng đen tìm mọi cách tiếp cận người dân lôi kéo họ vay tiền bằng các nhiều hình thức khác nhau.

09:53 Bạn đọc Duy Minh (Hải Dương): Hiện nay, thông qua sức lan tỏa của mạng viễn thông, mạng internet, hoạt động “tín dụng đen” đã vươn tỏa những chiếc vòi bạch tuộc của mình về vùng nông thôn, miền núi cao, nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc thiểu số. Để tránh rủi ro và hệ lụy cho đồng bào vùng cao; hạn chế tình trạng "tín dụng đen", cho vay nặng lãi ở các địa bàn này, theo ông/bà làm thế nào để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa?

- Bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: Để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính tín dụng lành mạnh của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, tôi cho rằng cần có những giải pháp kết hợp từ tổ chức tín dụng và cả khách hàng.

Với tổ chức tín dụng, tôi cho rằng cần phát triển các dịch vụ mới với món vay nhỏ, thủ tục thuận tiện. Thời gian qua, một số ngân hàng đã mở những gói dịch vụ cho vay mới, với khoản vay lên đến 30 triệu đồng mà có thể giải ngân ngay trong ngày, rất phù hợp cho người dân.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần đơn giản hoá quy trình, thủ tục nội bộ để tiếp cận khách hàng. Tại những vùng chưa có chi nhánh, các tổ chức tín dụng có thể thiết lập mô hình ngân hàng lưu động. Ngành ngân hàng cũng nên chủ động có giải pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh lãi và kì hạn trả nợ phù hợp để khách hàng không cần tìm đến tín dụng đen.

Từ phía khách hàng, tôi cho rằng cần có biện pháp để tăng cường nhận thức thủ đoạn và tác hại nếu vay từ tín dụng đen. Các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân tìm đến tín dụng chính thức, thay vì tín dụng đen khi có nhu cầu.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Bà Đặng Thị Thanh Hồng.
09:57 Bạn đọc Vũ Linh: Thời gian vừa qua, các cơ quan Công an triệt phá rất nhiều các tổ chức tín dụng đen theo kiểu truyền thống, nhưng bắt giữ, xử lý các app hoạt động kiểu tín dụng đen thì vẫn còn ít. Trong khi đó, các app cho vay tiền kiểu này vẫn mọc lên hàng loạt. Theo ông, chúng ta cần có giải pháp mạnh như thế nào để trấn áp loại tội phạm biến tướng này? 

- Đại tá Hoàng Ngọc Bách cho biết: Trong thời gian qua, dịch vụ “tín dụng đen” truyền thống đã có sự chuyển dịch, từ núp bóng dưới hình thức tiệm cầm đồ hoặc doanh nghiệp không có chức năng cho vay qua hình thức app cho vay, tạo khó khăn cho công tác kiểm soát do các đối tượng lợi dụng lỗ hổng về pháp lý. Lực lượng chức năng trong thời gian qua đã triệt phá nhiều ổ nhóm cho vay qua app, chuyển từ hình thức truyền thống sang hình thức sử dụng không gian mạng để tiếp cận nhiều người có nhu cầu đi vay hơn và lợi dụng tính năng ẩn danh để tránh lực lượng chức năng.

Liên quan đến các giải pháp, Đại tá Hoàng Ngọc Bách đưa ra 3 nội dung chính: Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là những người yếu thế thường xuyên phải đi vay, như lao động, công nhân, học sinh, sinh viên; Kiện toàn các quy định pháp lý và đẩy mạnh điều kiện tiếp cận các khoản vay chính thống cho người yếu thế có nhu cầu vay. Thêm nữa, lực lượng chức năng cũng cần có giải pháp phối hợp với các ban ngành liên quan để giải quyết vấn đề này.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Các vị khách mời tại buổi giao lưu.
10:09 Độc giả Vinh Quỳnh: Các tổ chức tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính được nhà nước cho phép hoạt động, tài chính vi mô hiện nay đã mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư. Thưa bà, với những đóng góp như vậy các tổ ch​​ức tài chính này có được coi là công cụ giảm nghèo phổ b​​iến tại Việt Nam​​ hiện nay và cần ​​được Ngân hàng Nh​​à n​ước th​​úc đẩy mạnh hơn trong tương lai hay không?

Bà Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước:

Các công ty tín dụng tiêu dùng và tài chính, tài chính vi mô nước ta có mạng lưới hoạt động rộng, có vai trò quan trọng trong cung ứn dịch vụ tài chính tiêu dùng tới người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi nhận thức rõ vai trò quan trọng của các tổ chức tài chính và đã đề ra nhiều giải pháp để các tổ chức này hoạt động, ví dụ như việc ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay tiêu dùng; hay các giải pháp quyết liệt để các tổ chức tài chính mở rộng mạng lưới, điểm giao dịch trên toàn quốc.

Việc phát triển các tổ chức tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính vi mô cũng là một trong 7 mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước vạch ra (trong Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019) nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12/TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

10:20 Bạn đọc Bình An: Ông/ bà có thể cho biết, các tổ chức tín dụng đã gặp phải những khó khăn gì do ảnh hưởng COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay? Điều đó có ảnh hưởng gì đến hoạt động tín dụng cho người dân? Ngân hàng Nhà nước cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép?

- Bà Đặng Thị Thanh Hồng, Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế: Thời gian qua đại dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực tới nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành ngân hàng. Cầu tín dụng 2 năm vừa qua giảm sút do doanh nghiệp gặp khó khăn, giải thể, ngưng trệ, như cầu tiêu dùng của người dân giảm sút. Việc tiếp cận giữa khách hàng và ngân hàng cũng gặp khó khăn đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. 

Cũng trong dịch COVID-19, nhiều người dân gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện của các tổ chức ngân hàng, tài chính nên đã tìm đến tín dụng đen của các tổ chức không được ngân hàng nhà nước cấp phép có diễn biến rất phức tạp. Trước thực trạng đó, ngân hàng nhà nước đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm giải quyết khó khăn của các tổ chức tín dụng (hợp pháp) và khách hàng. 

Cụ thể, ngân hàng nhà nước đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành giảm từ 1,5 đến 2%, giảm trần lãi suất cho vay huy động đầu vào từ 0,6-1% giúp cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Đồng thời khống chế trần cho vay lĩnh vực ưu tiên  thấp nhất từ trước đến nay là 4,5%. Nhờ đó mặt bằng lãi suất giảm 1,77% so với trước dịch.

Về mặt tín dụng ngân hàng nhà nước cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng, tăng khả năng cấp vốn cho nền kinh tế. Ngoài ra ngân hàng nhà nước cũng ban hành 3 thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi nhưng giữ nguyên nhóm nợ. Điều này giúp các tổ chức tín dụng giữ nguyên nhóm nợ không phải hủy nhóm nếu khách hàng không thể trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Ngân hàng nhà nước cũng trình chính phủ thí điểm hình thức mobile money giúp người dân đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Với các giải pháp trên, thời điểm gần đây tín dụng đã có tăng trưởng 10,3 triệu tỉ (hơn 12%). Trong lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn tăng trưởng hơn 12,3%, cho vay tín dụng tiêu dùng tăng, chiếm 20 % dư nợ của nền kinh tế. 

10:23 Bạn đọc Mai Loan: Tôi là hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng bán đồ gia dụng. Tôi muốn vay tiền để mở rộng kinh doanh. Tôi đang ở nhà thuê và cửa hàng cũng thuê. Trên thực tế cửa hàng của tôi vẫn hoạt động bình thường, và thường thì không có hoá đơn sổ sách giống như các siêu thị, cửa hàng lớn. Tôi bị từ chối với lý do không chứng minh được thu nhập. Có cách nào để tôi tiếp cận được nguồn vốn hay không?

- Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng Giám Đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT:  Hộ kinh doanh cá thể có thể tiếp cận vay tín chấp từ các ngân hàng thương mại hoặc tổ công ty tài chính. Hình thức cho vay tín chấp có thủ tục vay đơn giản, không rườm rà, không khắt khe trong việc chứng minh thu nhập. Tại FE Credit cho các hộ kinh doanh cá thể vay đến 70 triệu đồng, khách hàng có thể tham khảo trên trang web chính thức, lên ứng dụng hoặc liên hệ tổng đài để tư vấn.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Ông Nguyễn Thành Phúc và Đại tá Hoàng Ngọc Bách trả lời độc giả.
10:33 Độc giả Thu Hương: Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ có dấu hiệu hoạt động cho vay lãi nặng nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân... Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ hoạt động cầm đồ không được phép cho vay tín chấp, không được cho vay thông qua các giấy tờ tùy thân và không được phép thế chấp bằng nhà, đất, bằng bất kể tài sản nào, để hoạt động cầm đồ trở lại đúng nghĩa cầm đồ. Như vậy mới không thể có tín dụng đen trong cầm đồ. Quan điểm của ông như thế nào về đề xuất này?

- Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự: Trước tiên thì cầm đồ là một ngành kinh doanh có điều kiện tuy nhiên hiện nay hành lang pháp lý của chúng ta vẫn còn chưa chặt chẽ dẫn tới những biến tướng trong hoạt động kinh doanh cầm đồ. Ví dụ như việc một cửa hàng cầm đồ nhưng lại cho vay online, đăng ký kinh doanh ở một địa điểm nhưng lại cầm đồ của khách hàng tại một địa điểm khác...

Như câu hỏi của độc giả thì theo tôi việc cửa hàng cầm đồ cho vay tín chấp là không đúng. Cửa hàng cầm đồ muốn cho vay phải có tài sản cầm cố, nếu không có tài sản cầm cố mà vẫn cho vay thì cần phải thu hồi giấy phép của cửa hàng đó.

Sắp tới chúng tôi đang tham mưu sửa đổi nghị định 167 của chính phủ bổ sung các quy định mới xử lý về các hành vi vi phạm trong hoạt động cầm đồ để tăng cường hiệu lực hiệu quả của  cơ quan quản lý. 

10:37 Bạn đọc Tiến Trung (Cao Bằng): Theo bà, các công ty tài chính có nên đẩy mạnh số hoá để rút ngắn thời gian duyệt hồ sơ và người dân có thể vay tiền mà không cần tới các văn phòng giao dịch? Vấn đề này có gây ra những rủi ro gì về pháp lý cho người dân hay không, thưa bà?

Bà Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước:

Số hoá là xu hướng tất yếu trong mọi ngành, mọi lĩnh vực. Số hoá trong lĩnh vực tài chính, tín dụng tiêu dùng rõ ràng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí giao dịch, chi phí in ấn; thời gian xét duyệt, thẩm định hồ sơ vay vốn được rút ngắn; khách hàng không phải tới tận nơi, thuận tiện hơn.

Hiện nay, các tổ chức tài chính đang dần chuyển từ các phương pháp truyền thống sang ứng dụng công nghệ để tìm kiếm khách hàng, thậm chí chấm điểm tín dụng khách hàng thông qua Bigdata, trí tuệ nhân tạo (AI), thực hiện giải ngân trực tiếp qua tài khoản, ví điện tử của khách hàng, thuận lợi cho cả hai bên.

Tuy nhiên, cạnh ưu điểm, việc số hoá cũng tiềm ẩn rủi ro bảo mật thông tin cá nhân. Gần đây có tình trạng lợi dụng danh tính người khác để lập hồ sơ khống vay vốn, để lại hệ luỵ rất lớn về sau. Từ phía các công ty tài chính, tôi cho rằng các doanh nghiệp cần cân nhắc kết hợp số hoá với các phương pháp truyền thống để tối đa hoá lợi ích của cả hai bên.

 10:38 Độc giả Minh Phong: Rõ ràng, tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với toàn nền kinh tế. Theo ông, tại sao nhiều người Việt vẫn còn tâm lý e ngại khi tìm đến các tổ chức tín dụng?

- Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng Giám Đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT: Ngành tài chính tiêu dùng phát triển ở các nước từ lâu, tuy nhiên, chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng 10 năm nay và còn mới mẻ với một bộ phận người dân. Thu nhập của một bộ phận người dân ở nước ta còn thấp, nhu cầu vay lại cao. Trong một thời gian dài, việc cho vay của các ngân hàng đòi hỏi tài sản thế chấp, chính vì vậy, đối với người thu nhập thấp, vấn đề đầu tiên là phải chứng minh thu nhập và tài sản.

Ông Phúc cũng đề cập đến vấn đề truyền thông, hệ thống tuyên truyền mạng xã hội đôi lúc gây ra sự hiểu lầm, đánh đồng tín dụng đen với hình thức cho vay tín chấp của các tổ chức tài chính tiêu dùng, khiến người dân e ngại. Một bộ phận người dân vẫn tìm đến nguồn vay không chính thức do không thể tiếp cận được công ty tài chính tiêu dùng vì mục đích cho vay không chính đáng hoặc không đáp ứng yêu cầu của tổ chức tài chính tiêu dùng.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Trung tá Đỗ Minh Phương
10:42 Thu Huyền (Cao Bằng):  Để người dân vay văn minh, sống an toàn, tránh xa các bẫy tín dụng đen, cần sự phối hợp tuyên truyền từ các cơ quan báo chí, truyền thông với cơ quan Công an như thế nào để nâng cao nhận thức cho người dân, thưa ông?

Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án- Cục Cảnh sát Hình sự: Vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến tín dụng đen nói riêng.

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông, báo chí đã thông tin rất kịp thời về phương thức, thủ đoạn hoạt động của những đối tượng, tổ chức tội phạm liên quan đến tín dụng đen, từ đó nâng cao nhận thức của người dân; cũng như góp tiếng nói để các cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện những sơ hở, thiếu sót về mặt pháp lý, từ đó chủ động hơn nữa trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm liên quan đến tín dụng đen.

10:44 Độc giả Bảo Sơn: Ngân hàng nhà nước sẽ tập trung vào giải pháp nào để xử lý có hiệu quả các bất cập liên quan tới vấn nạn Tín dụng đen, hướng người dân đến với thị trường tín dụng chính thức, thưa ông/bà?

Bà Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:  Vừa qua ngân hàng đã ban hành quyết định 1178  về triển khai nhiệm vụ với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh triển khai nhóm nhiệm vụ góp phần hạn chế tín dụng đen. Ngân hàng nhà nước cũng sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với xu thế chuyển đổi công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích công ty tài chính tổ chức tài chính vi mô mở rộng mạng lưới giao dịch tời vùng sâu vùng xa tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, chỉ đạo tổ chức tín dụng phân bổ nguồn vốn tạo sản phẩm cho vay đa dạng đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng (hợp pháp) để tuyên truyền chính sách cho vay để người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng chính thức. Tôi cũng mong các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền về tác hại của tín dụng đen, và lợi ích của tín dụng chính thức tới người dân và độc giả. 

10:56 Độc giả Mạnh Hoàng: Xin ông vui lòng cho biết dịch vụ cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có khác gì so với hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại hay không?

- Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng Giám Đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT: Ngân hàng thương mại thường có các gói vay tiêu dùng giá trị lớn, ví dụ như vay xây nhà, mua ô tô có thế chấp… Đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp, không có quá nhiều khác biệt giữa Ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Điểm khác biệt lớn nhất là đối tượng cho vay. Đối với công ty tài chính tiêu dùng, đối tượng vay có thu nhập thấp hơn. Ngoài ra, còn có sự khác biệt về lãi suất, kỳ hạn. Trong khi công ty tài chính tiêu dùng có thể cho vay tối đa 100 triệu đồng, kỳ hạn trả nợ linh hoạt hơn…Như vậy, dịch vụ cho vay của công ty tài chính tiêu dùng hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập không ổn định, khó chứng minh thu nhập, vay vì mục đích trang trải cuộc sông hằng ngày là chủ yếu.

10:59 Phát biểu bế mạc giao lưu trực tuyến, thừa uỷ quyền của Đảng uỷ, Ban Biên tập Báo CAND, Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng ban Điện tử Báo CAND gửi lời cám ơn chân thành tới các vị diễn giả đã tới tham gia chương trình và giải đáp gần 30 trong nhóm hàng trăm câu hỏi của đông đảo bạn đọc Báo Điện tử CAND liên quan đến vấn nạn "tín dụng đen".

Thượng tá Trần Duy Hiển mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của Ngân hàng Nhà nước; Cục Cảnh sát hình sự; Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT để Báo Điện tử CAND có thể thường xuyên truyền tải tới độc giả những thông tin hữu ích cũng như góp tiếng nói với các cơ quan chức năng nhằm đề ra nhiều giải pháp hiệu quả đẩy lùi vấn nạn "tín dụng đen", tăng cường tín dụng chính thức.

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng ban Báo Điện tử CAND tặng hoa các vị khách mời.

Tham gia buổi Giao lưu trực tuyến về phía Báo CAND có: Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND; Thượng tá Trần Duy Hiển, Trưởng ban Báo Điện tử CAND, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban thuộc Cục Truyền thông CAND, Báo CAND và phóng viên một số cơ quan báo chí trong và ngoài lực lượng CAND.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Trần Kim Thẩm cho biết: “Tín dụng đen” xuất hiện dưới nhiều hình thức và đã tồn tại dai dẳng từ lâu. Đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều loại hình cho vay với lãi suất “cắt cổ” xuất hiện trên nền tảng công nghệ số, nổi bật như cho vay qua App. Nhiều cá nhân, tổ chức tội phạm hoạt động tín dụng đen đã triệt để lợi dụng dịch bệnh, người dân gặp nhiều khó khăn, để tiếp cận cho vay và con nợ nhanh chóng trở thành “con tin” của những kẻ cho vay lãi nặng. Nếu con nợ không trả đúng hạn, đủ lãi, thì sẽ có rất nhiều hệ lụy, hậu quả: nặng thì bị đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung, đập phá, cưỡng đoạt tài sản; nhẹ thì bị đưa lên mạng, bị nhắn tin khủng bố tới tất cả các số điện thoại trong danh bạ của con nợ…

Giao lưu trực tuyến: “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức
Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo CAND.

Trước thực trạng nhức nhối trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với tội phạm hoạt động tín dụng đen. Bộ Công an đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tham gia đấu tranh và giải quyết triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần bảo đảm ANTT, lành mạnh hóa các hoạt động cho vay nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thưa quý bạn đọc!

Đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” là nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi nhiều biện pháp, nhiều thời gian, huy động được sự vào cuộc của các cơ quan chức năng; bên cạnh đó là nâng cao ý thức của người dân về chấp hành pháp luật, hiểu rõ hệ lụy “tín dụng đen”…

Đồng thời, một trong những biện pháp hiệu quả để góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, chính là “tín dụng chính thức” – hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, có pháp nhân rõ ràng, chịu sự giám sát, điều chỉnh bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Với tinh thần đó, hôm nay, Báo CAND phối hợp với Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề “Đẩy lùi “tín dụng đen”, tăng cường tín dụng chính thức".

Khách mời buổi giao lưu gồm:

  • Đặng Thị Thanh Hồng - Phó trưởng phòng Tín dụng ngành nông nghiệp, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.
  • Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
  • Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự.
  • Đại diện Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT: Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng Giám Đốc kiêm Giám đốc khối nguồn vốn. 

Đơn vị đồng hành: Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - FE CREDIT.

CAND
.
.
.