Đối phó ra sao với các khoản nợ “tín dụng đen”?

Chủ Nhật, 07/11/2021, 16:22

Rất nhiều người khi vào bước được cùng, sự túng quấn đã khiến họ phải chấp nhận vay tiền bị tính lãi suất cao. Tuy nhiên người vay cũng nên tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định vay tiền, tránh rơi vào vòng xoáy “tín dụng đen”.

“Tín dụng đen” vốn hoạt động một cách bất chính, không được sự cho phép của Nhà nước, và các cá nhân, tổ chức cho vay trái pháp luật này thu lợi nhuận rất cao. Các đối tượng mời chào, tiếp thị cho vay với thủ tục dễ dãi, nhưng chỉ cần chấp nhận vay, người vay sẽ phải chịu một số giao kèo, mà sau này sẽ rất bất lợi cho bản thân.

Đối phó ra sao với các khoản nợ “tín dụng đen”? -0
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh – Viện Ngân hàng, Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân)

Để “nắm đằng chuôi”, chủ app “tín dụng đen” trước khi giao kèo sẽ đưa ra các điều kiện như kiểm soát danh bạ số điện thoại người vay, để khi người vay không trả được, chúng sẽ gọi điện đến các số điện thoại này đòi tiền hoặc yêu cầu người thân trả nợ hộ, nhằm mục đích bêu riếu người vay, khiến người vay cảm thấy “mất mặt” với người thân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), dù có rất nhiều cảnh báo về hệ lụy của “tín dụng đen”, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn tìm đến, bởi  tiêu chuẩn vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khá “ngặt nghèo”, từ mục đích sử dụng vốn, tài sản bảo đảm cho đến thủ tục vay vốn, trong khi với tổ chức “tín dụng đen” thì lại giảm bớt hoặc loại bỏ các thủ tục này.

Vì thế, “tín dụng đen” thích hợp hơn với tâm lý muốn giản tiện của không ít người dân có nhu cầu, đặc biệt là với những khách hàng dưới “chuẩn” – không đủ điều kiện vay từ kênh chính thức. Thứ hai là phương thức tiếp thị của “tín dụng đen” gần đây rất trực diện và khá hiệu quả như: gửi tin nhắn, dán thông tin với những điều kiện vay cực kỳ đơn giản và mời gọi lãi suất thấp ở vị trí dễ tiếp cận với người dân. Do đó, nhiều người đã tìm đến “tín dụng đen”.

 Đã có quá nhiều người vay và dính bẫy “tín dụng đen”. Vậy nên người vay tiền cần nâng cao cảnh giác cũng như có trách nhiệm với các khoản vay tiền, và cần phải hiểu rằng, các tổ chức, cá nhân cho vay với lãi suất cao vượt mức Nhà nước cho phép thực chất là “tín dụng đen” núp bóng, thông qua các app hết sức tinh vi. Nhóm người này thực chất là chuyên cho vay nặng lãi nên phải xác định rằng, các đối tượng sẽ dùng đủ mọi cách và không từ một thủ đoạn nào để đòi được khoản nợ trước đó.

Ở góc độ chuyên gia tài chính, theo Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh, ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng đều là các trung gian tài chính với số tiền cho vay chủ yếu huy động của người dân và các tổ chức trong xã hội, nên an toàn vốn vay là điều kiện tiên quyết trong hoạt động của các tổ chức này. Vì thế, việc mong muốn hoặc yêu cầu các tổ chức này linh hoạt hoặc nới lỏng điều kiện để mọi người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay là khá khó khăn. 

Một khi có đời sống tốt, người dân không cần có những nhu cầu bất chính như kinh doanh trái pháp luật, nghiện hút, cờ bạc... thì nhu cầu về “tín dụng đen” cũng biến mất. Và khi cầu không còn thì chắc chắn cung “tín dụng đen” cũng không còn “đất sống”.

Tuy nhiên, trước mắt, khi chúng ta chưa thể xóa bỏ hoàn toàn được “tín dụng đen”, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh nghiên cứu cho triển khai thêm những hình thức cấp tín dụng siêu nhỏ và vừa khác mà các nước đã triển khai hiệu quả như công ty cho vay ngày, công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe,  trung tâm thương mại... để bảo đảm các phân khúc đa dạng của thị trường vay vốn với các mức độ rủi ro cao đều được phục vụ.

Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát luồng tiền tốt hơn. Đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa các tổ chức như ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các công ty cho vay tài chính… để những khách hàng dưới “chuẩn” của ngân hàng có cơ hội tiếp cận vốn vay tại các tổ chức này.

Ngoài ra, mỗi cá nhân đều phải làm chủ được tình hình tài chính của mình. Trong trường hợp bất khả kháng, cần phải vay nợ, hãy tìm hiểu nguồn tín dụng, đặc biệt nếu vay qua app thì phải là cc app được Nhà nước cho phép hoạt động. Bởi, với các tổ chức được cấp phép đó, sẽ được pháp luật bảo hộ, thông tin tài chính minh bạch, hợp đồng, lãi suất rõ ràng, người vay sẽ hoàn toàn yên tâm.

N.C
.
.
.