Đi tìm giải pháp ngăn chặn “tín dụng đen”
Hoạt động “tín dụng đen” đang diễn biến ngày một phức tạp. Việc cho vay nặng lãi diễn ra có chiều hướng phổ biến, công khai. Vậy giải pháp nào đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức?
Vấn nạn “tín dụng đen” ở nước ta ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn về kinh tế, người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống. Lợi dụng tình trạng đó, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” đã mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới.
Tại Hội thảo “Cảnh báo tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do Báo Lao động và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức, kết luận Hội thảo, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước đã đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.
Theo ông Tú, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Bộ Công an, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen”; có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống; hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thẩm định, xác minh đối tượng, nhu cầu vay vốn của người dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức hiệu quả hơn.
Về phía các tổ chức tín dụng, ông Đào Minh Tú cho rằng, cần mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay “tín dụng đen”. Tiết giảm chi phí hoạt động, quan tâm dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng; chú trọng xây dựng mô hình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đại đa số người dân.
Về phía các các tổ chức chính trị - xã hội, theo ông Đào Minh Tú, cần phối hợp với ngành ngân hàng phổ biến, tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống; đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng trong hệ thống, kịp thời hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn; góp phần hạn chế đoàn viên, hội viên tìm đến “tín dụng đen”.
Các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm phối hợp với ngành Công an, ngành ngân hàng đa dạng hoá các phương thức tuyên truyền, phổ biến, dễ tiếp cận tới người dân về: các chính sách, chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động “tín dụng đen”, gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.