Cuối năm, “nở rộ” các hình thức lừa đảo tài chính
Bỗng nhiên tin nhắn báo có 10 triệu đồng trong tài khoản với nội dung “chị N vay”, chị Đ.H.N (trú xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) còn ngơ ngác chưa rõ nguồn gốc số tiền này từ đâu thì có tài khoản Zalo kết bạn, thông báo công ty tài chính đã giải ngân “khoản tiền chị vay”.
Hoàn toàn không vay tiền nhưng bỗng nhiên bị biến thành con nợ với 10 triệu đồng. Thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị N. đã thực hiện các thủ tục tra soát với ngân hàng, đồng thời giao toàn bộ số tiền trên cho cơ quan Công an giải quyết. Biết hành vi lừa đảo bất thành, các đối tượng lập tức gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần chị N.
Tương tự, anh N.H.L (ngụ tại thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), một người kinh doanh hàng hóa online cũng nhận được 20 triệu đồng trong tài khoản. Tưởng là tiền khách hàng chuyển, anh L. rút 15 triệu để nhập hàng về. Chỉ ít giờ sau, một số điện thoại lạ gọi tới thông báo đã chuyển nhầm 20 triệu đồng vào tài khoản của anh, đề nghị anh chuyển trả lại. Biết không lừa được anh L. theo hình thức cung cấp mã OTP nhằm rút sạch tiền của chủ tài khoản ngân hàng, anh L. bị các đối tượng liên tục gọi điện uy hiếp, khủng bố tinh thần.
Ông Đ.M.C (trú tại phường 8, TP Đà Lạt) lại bị lừa đảo dưới một hình thức khác. Do biết ông C. đang có nhu cầu vay tiền, một đối tượng đã mời ông C. cài đặt ứng dụng có tên CG CREDIT để vay tiền. Sau khi đăng ký và làm thủ tục vay 40 triệu đồng, ngay lập tức có đối tượng liên lạc giới thiệu là nhân viên của app, thông báo thông tin ông đăng ký bị sai, cần phải nạp vào 8 triệu đồng để giải ngân. Khi tiền được nạp vào tài khoản theo yêu cầu, ông C. vẫn được thông báo là không giải ngân được, muốn giải ngân được phải nạp thêm 20 triệu đồng nữa. Biết bị lừa, ông C. đã trình báo sự việc tới cơ quan Công an.
Đặc biệt, với thủ đoạn chuyển nhầm tiền, ông L.X.S (trú tại phường 6, TP Đà Lạt) đã bị các đối tượng lừa đảo rút sạch 2,1 tỷ đồng trong tài khoản. Theo trình bày của ông S., trước khi số tiền trên biến mất khỏi tài khoản ngân hàng, có người gọi cho ông, xưng là nhân viên ngân hàng thông báo đã chuyển nhầm tiền. Tưởng thật, nạn nhân đã truy cập vào một đường link do người này gửi tới và làm theo hướng dẫn. Không ngờ, toàn bộ 2,1 tỷ đồng trong tài khoản của ông S. đã “không cánh mà bay”.
Ông N.S.Q (trú tại phường 12, TP Đà Lạt) lại bị lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng. Người đàn ông này nhận được tin nhắn trúng thưởng từ trang mua sắm uy tín là Shopee (trang giả mạo). Tưởng thật, ông Q. đã làm theo hướng dẫn của các đối tượng, cung cấp số tài khoản ngân hàng, mã OTP. Hậu quả nạn nhân bị rút mất 33,3 triệu đồng trong tài khoản chỉ sau ít phút.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh các ứng dụng vay tiền online có tính chất lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện có rất nhiều ứng dụng cho vay online với lãi suất “cắt cổ”, biến người vay thành con nợ với số tiền ban đầu chỉ vài triệu đồng. Vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến hấp dẫn người vay vì thủ tục, cách thức cho vay nhanh gọn, lãi suất cho vay được giới thiệu là thấp, thậm chí là “không lãi suất”. Người đi vay không cần có tài sản thế chấp, chỉ cần vài thao tác đơn giản như tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản, đồng ý cho app truy cập danh bạ, hình ảnh, lịch sử tin nhắn.... là có thể vay được tiền.
Do nhu cầu cần gấp tiền để giải quyết công việc, người vay thường không để ý các điều khoản, quy định hoặc thỏa thuận trong hợp đồng vay trực tuyến cũng như lãi suất, thời hạn trả nợ lãi và gốc, các khoản “phí phát sinh”. Khi khoản vay đã được phê duyệt, đến lúc giao nhận tiền thì xuất hiện hàng loạt khoản phí “phát sinh” khiến mức “lãi suất thấp” kể cả “không lãi suất” bỗng vọt lên cao ngất ngưởng, người vay khiếp vía nhưng sự đã rồi… Khi người vay không trả nợ đúng hạn lập tức bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin gây sức ép, thậm chí đe dọa tính mạng hoặc đăng tải các thông tin lên Facebook nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người vay, người thân, đồng nghiệp có trong danh bạ điện thoại người vay nhằm gây áp lực buộc người vay phải trả nợ.
Ông C.M.H (nhân viên của một trường học trên địa bàn TP Đà Lạt) cho biết, đã truy cập vào website “unicredit” để vay 3 triệu đồng. Sau 10 ngày số tiền phải trả đã lên 4,4 triệu đồng. Đến hạn, ông H. chưa có tiền thanh toán liền bị các đối tượng đăng tải lên mạng xã hội vu khống đồng nghiệp và ông H. lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của nhà trường.
Bà H.T.T.T (trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng), cũng đang bị các đối tượng uy hiếp, khủng bố tinh thần và xúc phạm trên mạng xã hội. Theo bà T., do dịch bệnh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, bà đã vay tiền trên app 5 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận được 3 triệu. Đến hạn trả nợ (7 ngày sau), do chưa có tiền nên bà được các đối tượng giới thiệu sang vay các app YesCredit, Vaytot, Good dong, thời hạn vay cũng 7 ngày. Cứ thế, vay 3 app để trả 1 app, tổng nợ của bà T. nay đã lên tới 50 triệu đồng.
Trước hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và cho vay lãi nặng nở rộ dịp cuối năm khiến nhiều người trở thành nạn nhân, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo, khi có nhu cầu vay tiền người dân cần hết thức thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi giao dịch. Khi vay tiền, người dân cần lựa chọn vay tại ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ thể hiện đầy đủ thông tin hợp pháp. Người vay tiền phải đọc kỹ nội dung hợp đồng để tránh bị sập bẫy “tín dụng đen” và thực hiện vay tiền trực tiếp. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vay lãi nặng, người dân phải trình báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời can thiệp.