Cục Cảnh sát hình sự đưa ra 5 kiến nghị góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”
Tại Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do Báo Lao động và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức chiều 12/11, Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, đã đưa ra 5 kiến nghị, đề xuất của Cục Cảnh sát hình sự để góp phần ngăn chặn vấn nạn “tín dụng đen”.
Theo Trung tá Đỗ Minh Phương, thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính Phủ, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ban hành Kế hoạch để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Qua 2 năm, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân không ngừng nâng lên; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh. Hiệu quả các mặt công tác quản lý Nhà nước theo chức năng của lực lượng Công an từng bước được nâng cao. Hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính được duy trì thường xuyên…
Tuy nhiên, Trung tá Đỗ Minh Phương cũng nhận định, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.... Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)… nhằm len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền..
Trước thực trạng trên, theo Trung tá Đỗ Minh Phương cho biết, Cục Cảnh sát hình sự đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính Phủ kiến nghị, đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo. Chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” kịp thời, đúng trọng tâm, phù hợp với phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, nhất là trong những diễn biến phức tạp của tình hình đã dự báo trong và sau thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19.
Hai là, thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.
Ba là, UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”. Phối hợp với ngành ngân hàng phổ biến tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống, đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng, hệ thống tài chính vi mô, quan tâm, kịp thời có hình thức hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn. Xây dựng các mô hình kinh tế lành mạnh, hướng dẫn, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên đầu tư, kinh doanh chính đáng, góp phần hạn chế người dân, đoàn viên, hội viên tham gia, tiếp tay hoặc tìm đến “tín dụng đen” để vay vốn.
Tiếp theo, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đẩy mạnh công tác phát hiện, xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, đề nghị ba ngành tư pháp Trung ương chỉ đạo liên ngành tư pháp các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để thống nhất nội dung hướng dẫn, tháo gỡ, phát hiện các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các sơ hở, thiếu sót, bất cập, các vi phạm, tiêu cực để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý
Giải pháp cuối, Trung tá Đỗ Minh Phương đề nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.