Công an tỉnh Ninh Bình bóc gỡ nhiều ổ nhóm "tín dụng đen"

Chủ Nhật, 21/04/2024, 08:51

Thời gian qua, Công an tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Do vậy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" cơ bản đã được kiềm chế, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Để có được kết quả đấu tranh với tội phạm này, Công an tỉnh Ninh Bình đã có nhiều phương án triển khai thực hiện Công điện số 766 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen"; cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" do Bộ Công an phát động; đồng thời sự bám sát chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, tham mưu UBND tỉnh trực tiếp triển khai với nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hoạt động "tín dụng đen".

Công an tỉnh Ninh Bình bóc gỡ nhiều ổ nhóm
Công an tỉnh Ninh Bình tuyên truyền, vận động cơ sở kinh doanh không tham gia các hành vi liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng.

Qua đó, 100% các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Làm tốt công tác nắm tình hình, chú trọng các biện pháp trinh sát để phát hiện tội phạm, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan tín dụng đen.

Tập trung phòng ngừa, triệt phá các đường dây, đối tượng hoạt động theo phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp, thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật. Ngoài ra, các đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa, góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Trong 6 tháng cao điểm (từ tháng 9/2023 đến tháng 3/2024), lực lượng Cảnh sát hình sự đã phát hiện, xử lý 36 vụ, 37 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen". Trong đó, đã khởi tố 20 vụ, 21 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 16 vụ, 17 đối tượng về hành vi không đăng ký ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT mà cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định.

Đơn cử, ngày 11/3/2024, Phòng Cảnh sát hình sự phá chuyên án, bắt Nguyễn Văn Hào (SN 1988), trú tại TP Ninh Bình đã cho 11 người vay với tổng số tiền 650 triệu đồng với mức lãi suất từ 3.000 đồng - 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày  (108-144%/năm). Đối tượng Hào thu lời bất chính 330 triệu đồng.

Trước đó, tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát hình sự phá chuyên án, bắt giữ Hoàng Văn Trung (SN 1993), trú xã Văn Phú, huyện Nho Quan cho 39 người vay với tổng số tiền gần 856 triệu đồng; mức lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày tương đương với lãi suất 108 đến 180%/1 năm. Đối tượng Trung đã thu lời bất chính số tiền 415 triệu đồng.

Tiếp đó, cũng trong tháng 9/2023, Công an TP Tam Điệp (Ninh Bình) phá thành công chuyên án, bắt giữ Lê Văn Cử (SN 1970), trú tại xã Đông Sơn, TP Tam Điệp. Đối tượng Cử cho nhiều người vay với tổng số tiền 600 triệu đồng, với mức lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày, tương đương với lãi suất 108 đến 180%/1 năm, thu lời bất chính số tiền 300 triệu đồng.

Trong các vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Nguyễn Văn Hào, Hoàng Văn Trung, Lê Văn Cử về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự", quy định tại khoản 2 điều 201 Bộ luật Hình sự.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự, thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" vẫn còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là sẽ xuất hiện nhiều hình thức cho vay trực tuyến, có sự móc nối với đối tượng trên địa bàn. Ngoài ra, các hình thức huy động tài chính, kinh doanh đa cấp, kinh doanh tiền ảo, tham gia họ, hụi... sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Công an tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Kế hoạch số 240 của Bộ Công an và Kế hoạch số 85 của UBND tỉnh Ninh Bình về triển khai thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy tác dụng của các mô hình, tổ chức quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động vốn; tích cực tham gia tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động, quản lý con em, người thân trong gia đình không tham gia hoặc tiếp tay cho tội phạm và các đối tượng hoạt động "tín dụng đen".

Làm tốt công tác quản lý các cơ sở kinh doanh cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm; nâng cao hiệu quả sử dụng ứng dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử cung cấp thông tin nhanh nhất cho các lực lượng điều tra, phục vụ xác minh, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen"; đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định về cho vay, thu nợ, kịp thời ngăn chặn việc mua bán nợ, ủy quyền thu hồi nợ cho các tổ chức, cá nhân thu hồi nợ tự phát ngoài ngân hàng, góp phần hạn chế xảy ra các vụ việc liên quan đến ANTT.

Minh Hiền - Nguyễn Hương
.
.
.