Cho vay lãi nặng, dùng ảnh, clip “nóng” khống chế ép nợ bị xử lý tội danh và hình phạt như thế nào?

Thứ Bảy, 30/10/2021, 17:28

Cho vay lãi nặng, dùng  ảnh nóng,  clip nhạy cảm, thông tin bí mật cá nhân của con nợ để khống chế là phương thức thủ đoạn phạm tội mới, là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ vào hành vi cụ thể mà người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các tội danh và khung hình phạt cụ thể tương ứng. Trong đó, tội danh và khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Mới đây, như báo CAND đã đưa tin,  Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố điều tra 2 nhóm với 4 bị can về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đó là nhóm của cặp vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1992) - Đào Quốc Huy (SN 1992), cùng trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội và nhóm đối tượng Bùi Ngọc Thủy (SN 1984) trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Khương Thị Tuyến (SN 1992) trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Đặc biệt, cả 2 nhóm này đều có phương thức cho gái mại dâm, gái dịch vụ vay lãi nặng và bắt thế chấp bằng ảnh “nóng”, clip nhạy cảm của họ để khống chế. Nếu người vay không trả nợ hoặc trả lãi suất không đúng hạn sẽ bị đe dọa, đăng hình ảnh nhạy cảm này lên mạng xã hội, gửi cho bạn bè, người thân hoặc in các tờ rơi rải ở khu dân cư để gây áp lực buộc người vay trả tiền.

Thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tình hình kinh tế khó khăn, tình trạng cho vay lãi nặng diễn ra khá nhiều, với nhiều phương thức khác nhau.  Trao đổi với Báo CAND về các chế tài, quy định pháp luật liên quan tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” cũng như hướng xử phạt đối với hành vi dùng ảnh “nóng”, clip nhạy cảm, thông tin bí mật cá nhân để đe dọa đăng tải hoặc đã đăng tải các tài liệu trên để uy hiếp, khống chế con nợ, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết;

Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất vay trong giao dịch dân sự, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.  Tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi cho vay nặng lãi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Về xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay nặng lãi, theo điểm d khoản 1 Điều 13 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định  hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” bị phạt tiền từ 5 triệu – 15 triệu  đồng.”

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về “Tội cho vay lãi nặng” theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó,  “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu - 100 triệu đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu- 1tỷ  đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu -100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Đối với hành vi cho vay lãi nặng, bắt “thế chấp” bằng ảnh “nóng”, clip nhạy cảm hay thông tin bí mật cá nhân của con nợ, sau đó dùng để khống chế, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, đây được coi là phương thức thủ đoạn phạm tội mới, là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. Căn cứ vào hành vi cụ thể mà người thực hiện có thể bị xử phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự 2015.

 Khi xử phạt hành chính đối tượng vi phạm trong trường hợp này, ngoài áp dụng theo khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP,  đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng theo Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP hành vi sử dụng Internet để đăng ảnh người khác nhằm kích động dâm ô, đồi trụy với mức phạt lên tới 20 triệu đồng.

Trường hợp nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự, người đưa ảnh nóng người khác lên mạng có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 hoặc tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần và danh dự cho nạn nhân theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao đã có hướng dẫn số 233/TANDTC- PC về việc trao đổi nghiệp vụ ngày 01/10/2019. Dựa trên hướng dẫn này, có thể hiểu việc đe dọa con nợ bằng cách đưa hình ảnh nóng, clip khiêu dâm của con nợ lên mạng để khống chế, ép trả tiền, có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự, với 4 khung hình phạt, trong đó mức tối đa lên đến 20 năm tù.

P. Tâm
.
.
.