Chia sẻ kinh nghiệm giúp người dân tránh mắc bẫy “tín dụng đen”
Tình trạng “tín dụng đen” tuy đã được cảnh báo, ngăn chặn, nhưng vẫn phát triển và biến tướng, thể hiện qua việc ngày càng xuất hiện nhiều hình thức cho vay qua app với những cách tiếp cận khác nhau, như ma trận bủa vây người nghèo.
Trung tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), chuyên nghiên cứu về Tội phạm học, đã có những cảnh báo về các app “đen” cũng như chia sẻ kinh nghiệm để giúp người dân tránh sập bẫy “tín dụng đen”.
Vay tiền phải trả lãi trước
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, hiện nay đang rộ lên hai hình thức cho vay phổ biến, đó là cho vay qua ứng dụng trực tuyến (app) và vay trên website. Đây là hình thức cho vay không cần tài sản thế chấp, người dân chỉ cần gửi bản chụp giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, căn cước công dân của mình cho bên cung cấp tín dụng.
Cụ thể, nếu người dân vay qua app, bên cho vay phải được quyền truy cập về các thông tin cá nhân như danh bạ điện thoại, tin nhắn, đồng bộ Google và lịch sử cuộc gọi trong vòng 6 tháng trên điện thoại của người vay. Còn vay qua website, người vay sẽ phải gửi đường dẫn tới trang cá nhân của mình như facebook, zalo.
Đối với các app “tín dụng đen”, khi vay tiền, người dân bị “cắt phế” ngay, tức phải trả tiền phí dịch vụ cho khoản vay. Chẳng hạn như vay 100 ngàn đồng, chỉ nhận về 70-80 nghìn, nhưng vẫn ghi nợ đủ số tiền vay là 100 ngàn đồng.
Đến hạn trả lãi mà không thanh toán, bên cho vay sẽ cho truy cập danh bạ, lấy số điện thoại để quấy nhiễu bất kể ngày đêm, khủng bố tinh thần người vay cùng gia đình, bạn bè của người đó, mục đích gây sức ép để họ phải tác động, buộc người vay phải trả tiền.
Đây thực sự là một kiểu vay “tín dụng đen” với mức lãi suất “cắt cổ”, gấp cả chục, thậm chí hàng trăm lần lãi suất ngân hàng.
Cần phải làm gì khi “trót” vay lãi cao
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, hiện nay, có nhiều nhóm cho vay với lãi suất rất cao, từ 500% đến 700%, phạm vào tội “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, quy định tại điều 201, Bộ luật Hình sự 2015.
Với các khoản phí và lãi suất được tính quá cao, người dân rất khó khăn khi trả nợ. Vì trước khi tiếp cận khoản vay, họ đã không hề có khoản tiền nào trông chờ, mà số tiền nhận được thực tế thì lại quá ít so với số tiền mà họ ký trên giấy vay nợ.
Khi đã vướng vào vòng xoáy nợ nần, trước tình trạng không trả được của các con nợ, nhiều tổ chức “tín dụng đen” đã áp dụng các biện pháp để đòi nợ, như hình thức khủng bố, quấy rối điện thoại, hoặc tung ảnh nóng đòi nợ không liên quan đến khoản vay..., tất cả những hành vi trên đều là vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi “siết nợ” bằng cách đăng tải hình ảnh người vay lên mạng xã hội cùng với những lời lẽ đe dọa, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm, thì nạn nhân có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức liên quan gỡ bỏ hình ảnh đó, đồng thời có thể trình báo tới cơ quan Công an để điều tra xử lý vi phạm.
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 84, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người vi phạm có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng nếu thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; phạt từ 20-30 triệu đồng nếu thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Trường hợp bôi nhọ, vu khống người khác trên mạng xã hội, người vi phạm có thể bị xử lý về tội làm nhục người khác, hoặc tội vu khống theo Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Để người dân không “sập bẫy” khi vay tiền qua app cũng như để đảm bảo an toàn khi vay tiền online, người dân nên tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả). Đồng thời, cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua app, web.
Trung tá Đào Trung Hiếu cũng cảnh báo, người dân không nên vay mượn, tiếp cận thông tin cho vay dán ở những tờ rơi, cột điện của các app vay tiền không rõ nguồn gốc, các đơn vị không được cấp phép.
Nếu vay trên app, không được cho truy cập danh bạ điện thoại, truy cập tài khoản mạng xã hội của mình. Nếu phát hiện app cho vay nặng lãi, cần sớm tất toán các khoản nợ. Nếu bị các đối tượng đe dọa, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan Công an.
Và nếu có nhu cầu vay tiền, người dân cần trực tiếp liên hệ đến các công ty tài chính uy tín, được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật để được hướng dẫn.