Cảnh báo hành vi lừa đảo trên không gian mạng
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước xuất hiện các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng hết sức tinh vi. Trong đó, không ít người bị lừa khi vay tiền qua app hỗ trợ tài chính.
Muôn kiểu lừa đảo
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm 2015-2019, toàn quốc đã khởi tố 10.360 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với 11.410 bị can, chiếm đoạt số tiền hàng nghìn tỉ đồng. Con số này tương đương với khoảng hơn 2.000 vụ án/năm.
Tuy nhiên, trước những tác động của dịch COVID-19 cùng những khó khăn về kinh tế - xã hội, chỉ từ 25/5/2020 đến 24/5-2021, toàn quốc đã phát hiện hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy, tình hình phức tạp của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngoài các thủ đoạn lừa đảo truyền thống, trong bối cảnh dịch bệnh, một số đối tượng tung ra chiêu thức lừa đảo tinh vi khác thông qua ứng dụng (app) cho vay tiền online.
Một cán bộ điều tra Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, các đối tượng đã đánh vào tâm lý cần tiền gấp của người dân, để tung ra nhiều chiêu thức “dụ” nạn nhân, chuyển khoản tiền rất nhỏ (khoảng 1 triệu đồng/lần) để đóng các khoản phí cho những gói vay, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từng bước các đối tượng đã dẫn dụ nạn nhân phải đóng nhiều khoản phí, chuyển tiền nhiều lần, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Điển hình như trường hợp của bà L.T.M.C. (ngụ TP Biên Hòa) đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 420 triệu đồng để làm thủ tục vay khoản tiền 200 triệu đồng từ một ứng dụng cho vay online. Làm việc với cơ quan công an, bà C. cho biết, khi liên hệ một ứng dụng cho vay tiền online để vay 200 triệu đồng thì bà được một người tự xưng là “nhân viên ngân hàng” hướng dẫn làm thủ tục vay tiền.
Mọi thủ tục vay tiền đều đã hoàn tất, khoản tiền cũng đã có trong tài khoản (do các đối tượng lập ra cho bà C.) nhưng bà vẫn chưa thể lấy được tiền vay do “vướng các thủ tục và sai lệch thông tin”.
Kể từ đó, các đối tượng đã lập ra rất nhiều “kịch bản” buộc bà C. phải lần lượt đóng đến 420 triệu đồng (bà phải vay mượn từ nhiều nguồn mới có đủ số tiền trên) nhưng vẫn chưa thể giải ngân số tiền 200 triệu đồng. Đến khi bà C. phát hiện bị lừa đảo thì toàn bộ khoản tiền mà bà đóng vào để “giải quyết thủ tục” cũng đã biến mất.
Cẩn trọng không thừa
Thiếu tá Điền Việt Đức, điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự - Công an TP Biên Hòa cho biết, thời gian gần đây, các chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các nền tảng, phần mềm công nghệ như: giả khuôn mặt, giả giọng nói để làm giả các clip, hình ảnh nhằm mục đích lừa đảo khiến nhiều người dễ dàng tin tưởng.
Cụ thể như đối với các trường hợp hack tài khoản mạng xã hội (đa số là Facebook) của người khác, để nạn nhân tin rằng đó là người thân quen của mình, các đối tượng đã sử dụng phần mềm có gắn khuôn mặt của người chủ tài khoản đó để nói chuyện video với các nạn nhân. Bằng việc sử dụng công nghệ này, nhiều đối tượng đã giả danh người thân, quen để lừa đảo nhưng nạn nhân vẫn không thể nhận ra.
Trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp, Công an TP Biên Hòa đã yêu cầu Công an các phường, xã, đồn công an các khu công nghiệp triển khai thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo đến từng tổ nhân dân; các công ty, nhà máy trên địa bàn để mỗi người dân nắm bắt, phòng ngừa và kịp thời phát hiện, tố giác đến cơ quan Công an.