Cạm bẫy "tín dụng đen" ở vùng cao
Không chỉ phát triển ở các thành phố lớn và vùng đồng bằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con các dân tộc vùng cao, “tín dụng đen” đã len lỏi về các vùng sâu, vùng xa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự ở nơi đây.
Câu chuyện của chị Lò Thị Nh. ở vùng cao Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một ví dụ điển hình cho nạn “tín dụng đen” hoành hành, và nhiều người đã bị vạ lây vì khoản vay nợ của chị. Họ bị những chủ nợ của chị nhiều lần gọi điện vào đêm khuya để thúc giúc chị trả tiền cho khoản nợ mà chị đã vay.
Vốn là người dân tộc chân chất với cây lúa cây ngô, nhiều người dân ở cùng bản với chị Nh chưa hiểu “tín dụng đen” hay “vay qua app” là gì. Nhưng khi nghe những cuộc điện thoại lạ, họ thấy các chủ nợ nói nhiều điều không hay về chị, rằng chị hiện đang nợ họ một khoản tiền mà không chịu trả, rằng chị có ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền… Những người trong bản bắt đầu nhìn chị Nh. với con mắt nghi ngờ… Ngượng ngùng, chị Nh. đã phải bán chiếc xe máy đi để trả cho khoản nợ mà chị chỉ vay 2 triệu lúc đầu…
Chị Nh. kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con chị lại hay đau ốm, phải nằm viện lâu ngày, “nay thuốc mai thang” nên trong nhà có gì đáng giá, chị đều bán đi để lo chữa trị. Bao khoản phải chi, lại chẳng biết vay ở đâu, chị được người ta mách lên mạng vay tiền. Tò mò, chị tìm từ khóa "cho vay tiền" trên Google và đọc được những lời chào mời hấp dẫn, như: thủ tục cho vay không thể đơn giản hơn, lãi suất ưu đãi, giải ngân cực nhanh...
“Bị thúc bách về tiền, tôi đã làm theo hướng dẫn trên một ứng dụng (app) cho vay tiền. Đầu tiên, họ bảo tôi phải tải về máy di động một ứng dụng, trong đó có hợp đồng cho vay điện tử, tôi đã gửi ảnh chụp giấy chứng minh nhân dân, điền đầy đủ các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động của mình. Sau đó có người tự xưng là nhân viên của app gọi cho tôi kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên app. Ngay sau đó, tài khoản của tôi báo nhận được khoản tiền vay 2 triệu đồng, với mức lãi suất 4,4%/ngày”, chị Nh cho biết thêm.
Số tiền vay 2 triệu chẳng giải quyết được bao nhiêu khó khăn, còn số nợ cả gốc và lãi mà chị phải trả đã lên gấp mấy lần. Dịch bệnh nên chồng chị cũng không thể đi làm ăn xa, con lại nằm viện nên chị càng túng bấn, không có cách gì xoay xở để có tiền trả nợ.
Lúc đầu, chị cứ nghĩ mình ở tận vùng cao, xa thế này, các đối tượng sẽ khó đến để đòi nợ. Chị tính khất lần để sau này cố gắng kiếm tiền trả, nhưng các đối tượng cho vay làm mọi cách để đòi nợ.
“Đến hạn trả nợ người ta gọi điện thúc giục liên tục, nhưng vì quá khó khăn nên tôi chưa trả được. Từ đó, suốt đêm những người trong danh bạ điện thoại của tôi bị quấy nhiễu, làm phiền. Người cho vay yêu cầu họ phải giúp đốc thúc tôi trả nợ. Nhục nhã, xấu hổ, vợ chồng tôi quyết định bán chiếc xe máy là phương tiện đi lại duy nhất của gia đình để trả nợ", chị Nh buồn rầu thuật lại.
Trước đây, khi internet chưa phát triển, ở các vùng quê, hay vùng núi, rẻo cao, tình trạng cho vay nặng lãi diễn ra dưới một hình thức khác như “bốc bát họ”, chơi phường, hay có khi là vay lãi các sản phẩm nông nghiệp, vay 1 thì trả bằng 1,5. Song, thời gian qua khi các app “tín dụng đen” xuất hiện, người vay và người nhận chỉ giao dịch với nhau qua chiếc điện thoại di động; cam kết hay điều kiện gì cũng gửi “qua mạng”. Nhiều người cần vay tiền, khi không muốn phiền lụy người thân hay do ngại ngùng, đã tìm đến các app này. Và rồi, khi không trả được, hậu quả đi kèm là rất khôn lường. Các chủ nợ, ngoài việc đòi lãi suất “cắt cổ”, sẽ không từ một thủ đoạn nào để đòi được tiền, từ khủng bố con nợ đến làm nhục, bêu riếu họ trước người thân, bạn bè.
Câu chuyện của chị Nh. phản ánh một thực tế hiện nay, đó là thông qua sức lan tỏa của mạng viễn thông, mạng internet đã phủ sóng khắp nơi, hoạt động “tín dụng đen” đã vươn tỏa những chiếc vòi bạch tuộc của mình về vùng nông thôn, miền núi cao, nơi cư ngụ của đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Nh. kể, trong bản mình có nhiều gia đình khó khăn, có công to việc nhỏ gì cũng phải đi vay. Nhiều người đã vay tiền theo cách của chị và cũng bị đòi nợ theo cách khủng bố điện thoại.
Để tránh cho người dân mắc bẫy “tín dụng đen”, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp để đấu tranh, triệt xóa. Ngoài ra, cũng cần có nhiều biện pháp tư vấn để người dân nâng cao cảnh giác, cùng kinh nghiệm đối phó, tránh sa bẫy “tín dụng đen”.