Các hình thức “tín dụng đen” đã xuất hiện ở Hà Nam

Thứ Ba, 09/11/2021, 20:17

Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng thường kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê. Khi chậm hoặc không có khả năng thanh toán, người vay bị các chủ nợ thuê đối tượng côn đồ đến tận gia đình hoặc cơ sở kinh doanh, thậm chí là cơ quan làm việc… để uy hiếp, đe dọa, gây sức ép, buộc người vay phải trả…

Hệ lụy từ “tín dụng đen”.

Vì cần tiền làm ăn, anh Nguyễn Văn N., trú ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã vay của một nhóm “tín dụng đen” hơn 1 tỷ đồng với lãi suất 126%/năm. Điều kiện là anh N. phải ký khống 1 hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất do anh đứng tên và 2 hợp đồng thuê xe, bán xe. Do việc kinh doanh bị thua lỗ nên anh N. không trả được đúng hẹn số tiền trên. Nhóm đối tượng do Đỗ Đức Ninh, (SN 1973) cầm đầu, trú tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam buộc anh N. phải sang tên, chuyển nhượng mảnh đất.

Do không trả được tiền đúng hạn, một nạn nhân khác trú tại phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên đã bị các đối tượng sai người đến bôi sơn, vứt dầu luyn vào nhà. Được biết, anh T. đã vay 40 triệu đồng, lãi suất 180%/năm, và trong vòng 13 tháng, anh đã phải trả số tiền lãi lên tới 88 triệu đồng. Do không thể trả được số nợ lãi quá cao nên gia đình anh bị các đối tượng đến quấy rối, uy hiếp gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cả gia đình... 

Thực tế, nhiều trường hợp bị đối tượng đòi nợ thuê, uy hiếp, siết nợ người thân, bố mẹ, anh chị em của con nợ nhưng do sợ bị trả thù nên gia đình không báo cơ quan chức năng và điều này gây khó khăn trong công tác đấu tranh, xử lý vụ việc. Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Duy Ninh , Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: “Chính hành vi gây áp lực, dùng mọi thủ đoạn từ phía các chủ nợ khiến cho nạn nhân rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, mất hết tài sản, thậm chí còn phải bỏ trốn. Nhiều trường hợp vì muốn có tiền trả nợ nên dễ dàng lao vào vào những vòng xoáy như là chơi họ, chơi hụi… để có thể có khoản tiền nhanh chóng trả nợ, tránh sự đe dọa tới bản thân cũng như gia đình mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nạn nhân tham gia các hoạt động phạm tội”.

Cơn lốc “tín dụng đen” đã xuất hiện ở Hà Nam -0
Cán bộ Công an huyện Kim Bảng lấy lời khai của đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.

Chiêu trò của “tín dụng đen”

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh gõ từ khoá “Vay tiền”, trong một vài giây sẽ có hàng chục, thậm chí là hàng trăm kết quả lựa chọn. Có thể thấy, chưa bao giờ việc vay tiền lại dễ như hiện nay. Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần cung cấp ảnh, số căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe hay sổ hộ khẩu, tài khoản icloud… đều có thể vay tiền mà không cần thế chấp tài sản. Không những vậy, quá trình hoàn tất các thủ tục cho vay cũng hết sức nhanh, gọn, không ghi lãi suất nhưng những khoản dịch vụ mà người nợ phải trả thì rất cao. Đối tượng bọn chúng hướng đến cho vay thường là các tiểu thương, công nhân, người có khó khăn tài chính và các đối tượng ăn chơi, lêu lổng, cờ bạc…. cần tiền nhanh, với mức lãi suất “cắt cổ” khiến người vay dễ dàng rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi phải trả thậm chí gấp nhiều lần số tiền gốc.

Hiện nay, tuy chỉ mới manh nha xuất hiện trên địa bàn nhưng hình thức cho vay qua các app “tín dụng đen” đã tiềm ẩn những phức tạp, đã có trường hợp nhân viên của các app “tín dụng đen” gọi điện quấy rối, khủng bố điện thoại người bị cho là vay tiền và cả cơ quan nơi họ công tác..

Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá Lê Văn Hưng, Phó Đội  trưởng, Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết: “Đối với những bị hại, họ thường gặp hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có giá trị tài sản hoặc không tiếp cận được kênh cho vay chính thống. Các app “tín dụng đen” giải quyết tức thì, giải quyết ngay lập tức thậm chí nhiều trường hợp không cần có tài sản bảo đảm và thời gian trả nợ linh hoạt, do vậy, nhiều người vẫn sẵn sàng vay”.

(còn nữa)

Lan Anh - Lê Phượng
.
.
.