Biện pháp “mạnh” trên không gian mạng,  đẩy lùi “tín dụng đen”

Thứ Hai, 01/11/2021, 19:36

Qua việc giám sát thông tin trên không gian mạng, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhận thấy hình thức cho vay tiền thông qua ứng dụng (app) ngày càng nở rộ. Các hoạt động cho vay nặng lãi (tín dụng đen) thông qua các app lợi dụng nhu cầu cần vay tiền của người dân, đặc biệt là đối với người lao động hiện đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19...

Tại buổi tọa đàm khoa học về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen do Cục Cảnh sát hình sự tổ chức, chúng tôi đặc biệt chú ý đến tham luận của đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin & Truyền thông. Tham luận đã đề cập đến vấn đề tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên không gian mạng, góp phần ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Theo đại diện của NCSC, qua việc giám sát thông tin trên không gian mạng, Trung tâm nhận thấy hình thức cho vay tiền thông qua ứng dụng (app) ngày càng nở rộ. Các hoạt động cho vay nặng lãi (tín dụng đen) thông qua các app lợi dụng nhu cầu cần vay tiền của người dân, đặc biệt là đối với người lao động hiện đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

untitled-2.jpg -0
Đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên không gian mạng, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.

Do ảnh hưởng từ việc giãn cách xã hội, thời gian sử dụng internet của người dân tăng lên, các đối tượng xấu thường dễ dàng dẫn dụ và lừa đảo người dùng qua điện thoại. Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo trên các app vay tiền trực tuyến với tiêu đề thu hút như “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”, “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”… hoặc trực tiếp nhắn tin qua số điện thoại kèm theo đường link đến ứng dụng… Lợi dụng điều này, ngày càng xất hiện nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của "tín dụng đen", đồng thời phát sinh nhiều tội phạm lừa đảo.

Điều đáng nói, khi làm thủ tục vay các ứng dụng này đều yêu cầu người vay cung cấp những thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc cho phép truy cập danh bạ cá nhân. Bởi vậy, trong thời gian quan qua, NCSC đã liên tục cảnh báo các trang web trục lợi tài chính, đồng thời phổ biến kiến thức an toàn thông tin giúp người dân nâng cao cảnh giác, không dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trong một số các trường hợp cụ thể để tránh trở thành nạn nhân bị các đối tượng xấu lợi dụng. Khi có kiến thức cơ bản về an toàn thông tin, người dân cũng có thể nhận diện được các hình thức vay núp bóng tín dụng đen để cảnh giác và phòng tránh.

Trước tình trạng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, NCSC sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra, xử lý các trường hợp liên quan đến các các trang web hoặc ứng dụng liên quan đến tín dụng đen. Khi nghi ngờ một trang web có dấu hiệu liên quan đến tín dụng đen, người dân có thể chủ động cảnh báo. Tại đây, Trung tâm NCSC sẽ công khai toàn bộ trang web lừa đảo và tình trạng xử lý các trang web này để giúp người dân tránh được các nguy cơ lừa đảo, sa vào các bẫy tín dụng đen.

Trước tình hình ngày càng xuất hiện nhiều tội phạm mạng, để quản lý hoạt động cho vay qua các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh; đại diện NCSC đề xuất Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cùng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) cần có kế hoạch phối hợp xử lý hình thức phạm tội này bằng văn bản nhằm ngăn chặn các app vay tiền vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nhận thức về an toàn thông tin và nguy cơ mất tiền từ các hình thức “tín dụng đen” dưới hình thức này cần được phổ biến rộng rãi hơn tới người dân.

Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng, một sản phẩm của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã công khai 112,063 địa chỉ giả mạo tổ chức bao gồm 111,629 website và 434 mạng xã hội, người dân có thể tìm kiếm các trang web lừa đảo và trạng thái xử lý qua “Danh sách đen” trên trang Tín nhiệm mạng.

H.C
.
.
.