Xử lý vụ Việt Á: Mọi sai phạm đều bị xem xét, không chỉ là cấp vụ

Xử lý vụ Việt Á: Mọi sai phạm đều bị xem xét, không chỉ là cấp vụ

Thứ Năm, 20/01/2022, 17:52

Liên quan vụ Việt Á, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực cho biết, cấp nào có liên quan, nếu điều tra ra thì đều bị xử lý chứ không chỉ dừng lại ở cấp vụ...

Xác định đúng sai phạm, xử lý kịp thời

Tại cuộc họp báo Ban Nội chính Trung ương chiều nay, liên quan đến vụ Việt Á, các phóng viên đặt câu hỏi, liệu Ban Chỉ đạo có làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý lĩnh vực liên quan như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ hay không? Trách nhiệm của các bộ khi để các đối tượng lợi dụng dịch bệnh trục lợi?

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường trả lời tại họp báo.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, ngay trong Phiên họp thứ 21 sáng nay, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo có ý kiến về vụ việc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có kết luận và kết luận này sẽ sớm được công bố.

"Tôi muốn khẳng định rằng, đối với Vụ Công ty Việt Á, bất kể ai có liên quan, sai phạm đều sẽ bị xem xét, xử lý, bất kể ở cấp nào, theo tinh thần “không có vùng cấm”, không chỉ là cấp vụ. Ngày hôm qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng cho biết, vụ án này còn liên quan nhiều đối tượng khác nữa, sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ. Những vấn đề cụ thể đó các cơ quan chức năng đang tiếp tục vào cuộc", đồng chí nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, hiện UBKT Trung ương đang xem xét, xử lý các tổ chức đảng có liên quan trong sai phạm vụ Việt Á và nhiều sai phạm liên quan đến ngành Y tế. Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra với nhiều nội dung, cơ quan điều tra cũng đang làm. Như vậy, căn cứ thẩm quyền của mình, các cơ quan này sẽ điều tra, xử lý, làm sao xác định đúng sai phạm, xử lý nghiêm minh, kịp thời, bảo đảm không chồng chéo, không ảnh hưởng đến các hoạt động đấu tranh PCTN, tiêu cực cũng như không ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống dịch.

Hành vi gian dối nghiêm trọng trong vụ tha tù cho Phan Sào Nam

Trả lời câu hỏi "Những vụ việc tiêu cực như thế nào thì được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo", đồng chí Nguyễn Thái Học cho rằng, chống tiêu cực ở đây được xác định đối với những hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành thuộc đối tượng điều chỉnh của chức năng của Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đều do Ban Chỉ đạo chỉ đạo mà cấp ủy, tổ chức đảng nào quản lý cán bộ, đảng viên thì phải có trách nhiệm chỉ đạo xử lý cán bộ, đảng viên ở đó.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học trả lời tại họp báo.

"Trong thời gian vừa qua có rất nhiều đảng viên của chúng ta vi phạm và đã bị xử lý, đó là những vụ việc tiêu cực điển hình. Ví dụ, một đồng chí Bí thư cấp huyện ở Quảng Ninh vi phạm đạo đức, lối sống, ngay lập tưc cấp ủy ở đó đã chỉ đạo xử lý. Còn những hành vi ảnh hưởng uy tín của đảng, ảnh hưởng niềm tin của Nhân dân mà thấy rằng, nếu để cấp ủy đảng ở đó xử lý sẽ không đúng tầm thì Ban Chỉ đạo sẽ đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo", Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương lý giải.

Theo đồng chí, gần đây, Ban Chỉ đạo đã đưa 3 vụ việc tiêu cực vào diện chỉ đạo, xử lý. Đó là vụ buôn lậu, đánh bạc ở An Giang, liên quan nhiều cán bộ, đảng viên cần điều tra làm rõ, xử lý; vụ liên quan đến kỳ thi tuyển công chức ở Phú Yên, dù đã bị khởi tố điều tra nhưng Ban Chỉ đạo thấy rằng, việc xử lý còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Cuối cùng là vụ tha tù trước thời hạn của Phan Sào Nam đã cho thấy hành vi tiêu cực của nhiều cán bộ, đảng viên, cần phải được điều tra, xử lý.

"Lâu nay, việc tha tù trước thời hạn thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng... Nhưng, lợi dụng chính sách khoan hồng này, các cơ quan chức năng đã thể hiện hành vi gian dối một cách nghiêm trọng, người ta không lập công gì mà làm hồ sơ có lập công, có thành tích để đề nghị giảm án, tha tù trước thời hạn. Vấn đề đó phải được làm rõ", Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh và khẳng định, công tác phòng chống tiêu cực sắp tới phải làm đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Ban Chỉ đạo cũng đã giao Ban Nội chính Trung ương hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn việc áp dụng chức năng chống tiêu cực này một cách rõ hơn.

Không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào

Liên quan chia sẻ của đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương về việc nhiều vụ án thuộc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo "khó và áp lực", đồng chí Nguyễn Thái Học cho hay, đó là do nhiều vụ án liên quan đến cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý nên việc điều tra, truy tố, xét xử không hề dễ chút nào, "khi đó người ta ở cương vị lãnh đạo, để kết luận cho được họ vi phạm là không hề đơn giản".

Toàn cảnh họp báo.

"Có thực tế hiện nay ở cấp tỉnh điều tra, truy tố, xét xử khó ở chỗ, liên quan lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cấp tỉnh, do đó, phải chuyển về cấp bộ hoặc Ban Chỉ đạo điều tra, xử lý, động chạm chức vụ, quyền hạn, có sự câu kết giữa các lực lượng với nhau nên việc điều tra, xử lý càng khó hơn nữa", đồng chí chia sẻ.

Về ý kiến tham nhũng có biểu hiện "nhờn thuốc", Ban Nội chính Trung ương có giải pháp nào hữu hiệu hơn trong năm 2022, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học khẳng định, "nhờn thuốc" hay không tùy thuộc vào bản thân từng con người, còn quy định của Đảng, của pháp luật thì rất nghiêm khắc và luôn nhất quán một điều: sai đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

"Chúng ta khẳng định quan điểm kiên quyết, kiên trì trong xử lý, không bao che, không bảo kê. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần yêu cầu các cơ quan PCTN, tiêu cực phải điều tra, xử lý nghiêm, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào", đồng chí nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo đặt nhiệm vụ trọng tâm xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm trong năm 2022, gồm:

(1) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương; (2) Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan; (3) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận;

(4) Vụ án "Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, đưa hối lộ; nhận hối lộ..." xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương; (5) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ" xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng; (6) Vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); (7) Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

(8) Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; (9) Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan; (10) Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương.

Quỳnh Vinh
.
.
.