Xử lý nghiêm các vi phạm trong cấp phép khai thác khoảng sản cho dự án xây dựng đoạn Cam Lộ- La Sơn
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 1948/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ- La Sơn.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ- La Sơn (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020) nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao quản lý dự án).
Kết luận thanh tra đã chỉ rõ những thiếu sót, vi phạm liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ- La Sơn. Cụ thể, đối với Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ- La Sơn, công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác.
Một số mỏ có trong thiết kế nhưng khi thi công không lấy được phải đi tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới. Một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế, làm tăng chi phí vận chuyển do điểm mỏ cung cấp vật liệu xa hơn, ảnh hưởng thời gian thi công của một số gói thầu, chậm tiến độ của dự án, dẫn đến thiếu nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền đường khi thực hiện dự án.
Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được Bộ GTVT giao làm đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ đất đắp nền đường phục vụ dự án dẫn đến không chính xác, chưa phù hợp với thực tế thi công.
Tại Quảng Trị, kết luận thanh tra chỉ rõ, các cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn khi chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Ban hành các quyết định khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đúng tiêu chí quy định tại Luật Khoáng sản và Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ…
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp tại một số mỏ tại Quảng Trị không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định của Luật Khoáng sản (mỏ đất xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị); khai thác vượt công suất (mỏ đá vôi khối B-Tân Lâm, xã Cam Tuyền của Công ty cổ phần Thiên Tân). Chưa thực hiện triệt để việc ưu tiên cung cấp vật liệu cho dự án dẫn đến một số gói thầu của dự án không mua được đá làm bê tông nhựa và phải mua tại các tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Nam làm tăng chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian thi công.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc địa phương cho phép Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1/5 tiến hành khai tác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đất tại thôn Phường Hóp) khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất; chưa có hướng xử lý, kiểm soát khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ được phép nâng công suất khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và Nghị quyết số 133/NQ-CP của Chính phủ (mỏ đá Khe Phèn của Công ty TNHH Coxano Hương Thọ)….
Trước kết luận của Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến tại Văn bản số 6366/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót, báo cáo kết quả thực hiện đến Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc , kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/11/2023.