Xử lý doanh nghiệp lừa đảo: Hàng nghìn sổ đỏ của dân ai giải quyết?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) phải thiết kế quy định để doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp bán dự án này, thu tiền của người dân rồi đi kinh doanh dự án khác, sử dụng tiền vào việc khác, không nộp tiền vào ngân sách, khiến người dân không được làm sổ đỏ.
Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày, dự thảo luật bổ sung điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản (khoản 1 Điều 10 dự thảo luật).
Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế (UBKT) tán thành việc quy định chặt chẽ, cụ thể điều kiện về năng lực tài chính đối với tổ chức kinh doanh bất động sản, góp phần sàng lọc chặt chẽ nhà đầu tư khi tham gia thị trường kinh doanh bất động sản, nhằm bảo đảm chủ đầu tư có đủ năng lực phát triển dự án bất động sản và bảo vệ quyền lợi của bên mua, thuê, thuê mua.
Tuy nhiên, do khái niệm vốn thuộc sở hữu của mình (tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 10 dự thảo luật) chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở đánh giá, xác định năng lực tài chính của doanh nghiệp nên UBKT đề nghị giữ nguyên cụm từ vốn chủ sở hữu như quy định hiện hành.
"Ngoài ra, để bảo đảm năng lực của chủ đầu tư trong thực hiện dự án, đề nghị bổ sung, quy định rõ tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư dự án tại điểm c khoản 1 Điều 10 dự thảo luật là tỷ lệ tối thiểu đối với từng dự án; bổ sung quy định về trường hợp chủ đầu tư đồng thời thực hiện nhiều dự án thì vốn chủ sở hữu phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu trên tổng vốn đầu tư của toàn bộ các dự án do chủ đầu tư đang thực hiện" - Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh nêu.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị nghiên cứu quy định năng lực tài chính đối với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án kinh doanh bất động sản, đảm bảo họ đủ năng lực tài chính triển khai dự án đúng tiến độ, yêu cầu.
Ông cũng đề cập đến việc không cấp được sổ đỏ cho hàng trăm ngàn người dân vì chủ đầu tư nợ ngân sách. Luật đất đai quy định, giao đất cho doanh nghiệp mới xác định tiền sử dụng đất. Khi doanh nghiệp không nộp được mới xử phạt chậm nộp, mà tiền phạt lại thấp hơn lãi suất ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp bán, thu tiền của người dân rồi đi kinh doanh dự án khác, sử dụng tiền vào việc khác, không nộp tiền vào ngân sách, khiến người dân không được làm sổ đỏ. Từ đó xảy ra nhiều bất ổn khi người dân khiếu nại quyền lợi.
"Tôi đề nghị phải thiết kế quy định để doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Nếu không thì không giải quyết được. Nếu doanh nghiệp vi phạm, lừa đảo, cùng lắm bắt đi tù, nhưng hàng chục ngàn sổ đỏ của người dân ai giải quyết?" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh. Ông đề cập thực tế, nếu doanh nghiệp không nộp tiền thì không thể giải quyết được, làm mất lòng tin, gây bất ổn. Nên đề nghị phải nộp tiền vào ngân sách mới giao đất, "tiền trao cháo múc" để tránh sau này đi đòi nợ.
ĐBQH Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề cập thực tế đối với các dự án bất động sản, bằng cách này hay cách kia chủ đầu tư vẫn huy động vốn của người dân. Người ta vận dụng Luật Dân sự, ký kết các hợp đồng đầu tư, góp vốn. Người dân khi nhìn nhận dự án có khả năng, có lợi trong tương lai thì nhu cầu đầu tư của họ là có. Vậy mình kiểm soát như thế nào, vì trên thực tế đã có những dự án không đủ năng lực, người ta làm dở chừng rồi bỏ trốn hoặc đầu tư dàn trải?
"Thực ra họ rất tham, muốn một lúc triển khai nhiều dự án, lấy chỗ này đầu tư chỗ kia, nhưng rồi tất cả đều dang dở, ách tắc. Khi ách tắc dự án thì đọng vốn, tiền trả lãi cho ngân hàng cũng đã bị chiếm dụng hết rồi, nên nhiều doanh nghiệp sau nhiều năm không thể triển khai các dự án đồng thời dễ phá sản", đại biểu phân tích và cho rằng, không phải ngay từ đầu các chủ đầu tư đã có nhu cầu lừa đảo, nhưng vì tham, đồng thời triển khai nhiều dự án, lấy tiền dự án này đầu tư vào dự án khác, dẫn đến tình trạng này.
"Việc này cũng liên quan đến việc đầu tư trước của người đầu tư, cho nên có thể yêu cầu bắt buộc họ phải ký với một ngân hàng để tất cả tiền nhà đầu tư dùng trực tiếp đầu tư vào các dự án cụ thể phải dùng để giải ngân cho chính dự án đó", ông bổ sung thêm.