Xét xử tội phạm vắng mặt là cơ sở để dẫn độ tội phạm bỏ trốn

Thứ Tư, 16/08/2023, 19:14

Chiều 16/8, tại buổi cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương thông tin vụ AIC và việc truy bắt bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Bản án có hiệu lực là tiền đề phục vụ cho việc truy bắt tội phạm

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh việc đã điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong các vụ án xảy ra tại Công ty AIC và một số địa phương. “Đây là cơ sở dẫn độ tội phạm. Cũng từ vụ việc này, có thể nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về xét xử đối tượng bỏ trốn. Đây cũng là điểm mới, nổi bật, tạo bước đột phá trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực” – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết.

hop bao.jpg -0
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên và Đặng Văn Dũng trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tội phạm có bỏ trốn cũng bị xét xử, đồng chí Đặng Văn Dũng cho biết thêm, các thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải kiên quyết dẫn độ những đối tượng bỏ trốn trong các vụ án về nước để xử nghiêm minh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về trường hợp truy bắt bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên tiếp tục nêu quan điểm của Ban Chỉ đạo và các cơ quan bảo vệ pháp luật, khẳng định “Tất cả những trường hợp trốn đều quyết tâm truy bắt. Pháp luật Việt Nam cho phép xét xử cả những đối tượng đang bỏ trốn. Tất cả những trường hợp có hành vi phạm tội, chứng cứ rõ, bỏ trốn thì vẫn đủ điều kiện để xét xử, tuyên án chứng tỏ sự nghiêm minh của pháp luật”.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh, khi bản án có hiệu lực thì là “tiền đề để phục vụ cho việc truy bắt”. Theo đó, khi là đối tượng truy nã, chưa có bản án thì rất khó khăn trong hợp tác quốc tế, nhưng khi bản án đã tuyên có hiệu lực pháp luật thì là tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, kinh tế thì trên thế giới không có nước nào dung tha. Chính vì vậy, sau khi tuyên án, chúng ta sẽ thực hiện dẫn độ tội phạm theo hợp tác quốc tế của Việt Nam với quốc gia mà đối tượng đang lẩn trốn.

Xem xét không xử lý trách nhiệm hình sự, dân sự đối với các y, bác sĩ không vụ lợi trong vụ Việt Á

Trả lời câu hỏi về "chùm án" Việt Á, đồng chí Nguyễn Văn Yên cho biết, vụ án xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và bất cứ ai cũng không mong muốn.  Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, những vi phạm và tội phạm xảy ra đã được các cơ quan trung ương, địa phương nỗ lực khẩn trương, tích cực điều tra, chứng minh làm rõ. Ban Chỉ đạo đã đưa ra 8 yêu cầu cụ thể. Đồng thời, cả 8 yêu cầu được các cơ quan liên quan làm rõ. Hiện đã khởi tố 33 vụ án, trên 111 bị can với 6 tội danh. Các vụ án đã đến giai đoạn có thể kết thúc điều tra, phấn đấu đến cuối năm kết thúc điều tra, truy tố xét xử cả "chùm án" Việt Á này. Trong 33 vụ, có những vụ địa phương đã thụ lý giải quyết, nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử.

khám xet cdc khánh hoà.png -0
Cơ quan điều tra thi hành lệnh khám xét tại CDC Khánh Hoà.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết thêm, vì bối cảnh chống dịch đặc biệt, nên cũng có nhiều vi phạm, sai phạm vì mục tiêu chống dịch, liên quan tới rất nhiều con người, từ các bộ, ngành trung ương xuống địa phương, rồi các đơn vị doanh nghiệp khối ngoài Nhà nước, công tư đều có cả. Do đó, Ban Chỉ đạo đã có chủ trương, chỉ đạo phân loại xử lý đối tượng đầy khoa học, rất nhân văn, nhân ái, nhân tình nhưng cũng rất nghiêm khắc như lời Tổng Bí thư nói. Trong đó, thống nhất chỉ nghiêm trị người có chức vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, chỉ đạo cấp dưới làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, đem lại lợi ích bất hợp pháp cho Công ty Việt Á. Thứ nữa là người chủ mưu, cầm đầu, người vì động cơ vụ lợi, chiếm số tiền lớn cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc hết khung, hết khoản. Nhóm này liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, tội rất nặng và đến nay đã được làm rõ.

Còn các nhóm khác phân hóa ra, có chính sách miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với nhóm thứ yếu, phụ thuộc, phải thực hiện theo mệnh lệnh. Điều quan trọng nhất trong nhóm đối tượng có vai trò thứ yếu, phụ thuộc, đó là họ không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi và ở tuyến đầu chống dịch, vi phạm chủ yếu trong hoạt động đấu thầu nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương không xử lý. “Trong bối cảnh cần kit xét nghiệm ngay, họ phải thực thi theo chỉ đạo để có kit xét nghiệm phục vụ người dân và chỉ biết làm vì việc chung. Hậu quả thiệt hại là có, nhưng trong bối cảnh chống dịch không thể thực hiện trình tự, thủ tục theo luật định về đấu thầu. Vi phạm rồi, để lại hậu quả lớn, phải xử lý nhưng trong bối cảnh như thế nên Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương xem xét không xử lý, chỉ xử lý kẻ chủ mưu cầm đầu, chứ không phải tất cả” – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nêu.

Đồng chí Nguyễn Văn Yên cho biết thêm, đối với vụ án Việt Á, sẽ phân loại và có tiêu chí xử lý của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương hướng dẫn. Với vụ án xảy ra ở CDC Quảng Ninh vừa được xét xử cũng được vận dụng cơ chế này để xử lý. Với việc phân hóa này cũng để đội ngũ y bác sĩ không may đã và đang bị xử lý trong vụ án Việt Á mà không có yếu tố vụ lợi có thể an tâm.

Phương Thuỷ
.
.
.