Xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương phải đi kèm với nghĩa vụ xây dựng môi trường giáo dục thân thiện

Thứ Tư, 20/11/2024, 10:31

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu cho ý kiến về những quy định ưu tiên của dự thảo luật dành cho các nhà giáo, đặc biệt là chính sách tiền lương. Song song với việc được ưu tiên, xếp lương cao nhất trong bậc lương… các nhà giáo phải có nghĩa vụ tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ hôm nay, đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20-30/11 và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng. Sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay, ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành Giáo dục - những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý. 

Xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với nghĩa vụ xây dựng môi trường giáo dục thân thiện -0
Dự án Luật Nhà giáo được Quốc hội bàn vào đúng Ngày 20/11.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.

Dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành. Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với nghĩa vụ xây dựng môi trường giáo dục thân thiện -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội. 

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Quang Minh (tỉnh Quảng Bình) đề nghị xem xét bổ sung vào điểm e, khoản 2, Điều 9 về nghĩa vụ của nhà giáo. Nội dung này quy định nhà giáo có nghĩa vụ tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, dân chủ, đổi mới sáng tạo. Theo đại biểu, cần bổ sung thêm nghĩa vụ của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đó là phải xây dựng môi trường giáo dục thân thiện. 

Xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với nghĩa vụ xây dựng môi trường giáo dục thân thiện -0
Đại biểu Trần Quang Minh (tỉnh Quảng Bình) phát biểu tại phiên họp.

Theo đại biểu, đây là nội dung nằm trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đã được phát động cách đây hơn 16 năm và đến nay đã khẳng định vẫn nguyên giá trị, ý nghĩa. Để đạt được mục đích này, các thầy cô giáo phải thân thiện trong dạy học, thân thiện trong đánh giá kết quả rèn luyện, học tập của học sinh, đánh giá công bằng, khách quan với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo.

Các thầy cô giáo trong quá trình dạy học phải thân thiện với mọi năng lực thực tế của mọi đối tượng học sinh. Trường học thân thiện là trường học có môi trường sống lành mạnh, an toàn, tránh được những bất trắc, nguy hiểm, đe dọa học sinh. Trường học có cơ sở vật chất đảm bảo các quyền tự nhiên, thiết yếu của con người. Trường học thân thiện là trường tạo lập sự bình đẳng giới, xây dựng thái độ với giáo dục, hành vi ứng xử tôn trọng bình đẳng nam nữ.

Nghĩa vụ của nhà giáo trong xây dựng trường học thân thiện thì ngoài truyền thụ kiến thức còn phải chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tạo môi trường và điều kiện để học sinh tìm hiểu, chăm sóc và phát huy các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa của địa phương. Đồng thời, phối hợp với cha mẹ học sinh để giáo dục các em, giáo dục cho học sinh biết rèn luyện thân thể để tự bảo vệ sức khỏe, đời sống lành mạnh, an toàn, đến quý trọng gia đình, độ lượng và bao dung, có tình yêu với quê hương, đất nước...

Xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với nghĩa vụ xây dựng môi trường giáo dục thân thiện -0
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (tỉnh Ninh Thuận) phát biểu.

Về chính sách tiền lương đãi ngộ đối với nhà giáo, đại biểu đề nghị đánh giá khách quan thu nhập bình quân của nhà giáo hiện nay so với lĩnh vực khác trong xã hội, từ đó tham mưu cho Chính phủ quy định chi tiết thật phù hợp với thực tế, đảm bảo chế độ ưu tiên nhưng phải bình đẳng, công bằng với các nhóm đối tượng trong ngành. Nhất là chế độ thu hút nói chung, thu hút vùng miền nói riêng, phụ cấp ưu đãi nghề, ưu đãi trong các cấp học, chế độ biệt phái, điều động, chế độ nghỉ hè, đào tạo, bồi dưỡng,.. nhằm tránh tối đa việc bất bình đẳng trong thu nhập cũng như tạo kẽ hở, tạo đặc quyền đặc lợi, từ đó sinh ra tiêu cực trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (tỉnh Ninh Thuận) thống nhất với chủ trương là “cần phải xem giáo dục là quốc sách” trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, việc chăm lo về chế độ chính sách, tôn vinh đội ngũ làm công tác giáo dục cần phải được chú trọng. 

Tuy nhiên, để thực hiện được chế độ, chính sách được đề ra tại dự thảo Luật và dự thảo Nghị định quy định 9 nội dung chính sách tiền lương, phụ cấp hỗ trợ thu hút đối với nhà giáo, đại biểu cho rằng, cần phải căn cứ vào Luật Ngân sách có đảm bảo thực hiện được hay không, phải có đánh giá tác động chính sách thật kỹ. Đồng thời, chính sách nếu có ưu tiên hơn thì cũng nên đặt trong mối tương quan hài hòa với các đội ngũ trí thức, lực lượng lao động khác của xã hội, những người cùng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với nghĩa vụ xây dựng môi trường giáo dục thân thiện -0
Đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông).

Góp phần hoàn thiện dự thảo luật về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông) tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

Cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong sự thảo luật đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập, Đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không? “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng, vì vậy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội”, đại biểu nêu quan điểm…

Vũ Linh
.
.
.