Xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Ngày 24/12, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc để tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị còn có hơn 700 đại biểu đại diện các cơ quan Trung ương, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí; đại diện các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Báo cáo về kết quả hoạt động báo chí năm 2020 do đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban - Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày cho thấy, năm 2022 bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Báo chí đã thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu. Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước được đẩy mạnh, tạo thành phong trào, là một điểm sáng trong năm 2022. Việc thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức, nội dung thông tin phong phú, sắc nét.
Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển. Đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Đã ban hành chiến lược chuyển đổi số báo chí, tiêu chí cơ quan báo chí văn hóa, cấp hội văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam. Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí. Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí.
Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác báo chí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn còn kéo dài, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Một số Sở Thông tin và Truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn. Vai trò của Hội Nhà báo các cấp vẫn còn hạn chế, chưa thực sự chủ động trong việc xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Quy tắc sử dụng mạng xã hội đối với người làm báo, của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt. Đặc biệt là đối với cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp như buông lỏng trong quản lý, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo định hướng thông tin cũng như đầu tư cho hoạt động của cơ quan báo chí trực thuộc và không có biện pháp kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Một số cơ quan báo chí, tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối.
Tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén. Tình trạng “báo hóa” tạp chí, các biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Một số lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình, việc quản lý, điều hành, kiểm soát nội dung liên kết còn lỏng lẻo, dễ dẫn đến sai sót. Báo chí vẫn còn tình trạng thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn…
Hội nghị cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính như kinh tế báo chí ngày càng khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch bệnh và kinh tế thế giới. Đội ngũ cán bộ phụ trách kinh tế của nhiều cơ quan báo chí còn hạn chế về năng lực, trình độ quản lý báo chí cũng như quản trị tài chính. Việc đầu tư cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật của cơ quan báo chí còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Đã có tình trạng một số lãnh đạo cơ quan báo chí buông lỏng, phân cấp phân quyền duyệt tin, bài lên mạng internet cho cấp dưới một cách dễ dãi, coi nhẹ việc quản lý các chuyên trang, nhất là thông tin giải trí, khai thác tin thế giới thiếu chọn lọc… dẫn đến nội dung đôi khi thiếu định hướng, phản cảm, không chính xác.
Việc triển khai xây dựng cơ quan báo chí văn hóa chưa thực chất, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp của một bộ phận người làm báo vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp ứng dụng công nghệ vào quá trình tác nghiệp gắn với chuyển đổi số.
Về một số nội dung gợi mở cần trao đổi về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, đồng chí Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, trong Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 đã nêu rất cụ thể các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2023. Trong đó có 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan hội; 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với cơ quan chủ quản báo chí và 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đối với cơ quan báo chí, để báo chí thực sự “Chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”. Đặc biệt là trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã đề cập đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí, đó là: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và nhân dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, có thể kể ra nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí cách mạng. Đầu năm 2022, Báo Sức khỏe và Đời sống thực hiện chuyên đề mang tên “Sự sống hồi sinh” là tuyến nội dung ý nghĩa, đặc sắc, mỗi phóng sự là chân dung những y bác sĩ, là những ghi nhận trực tiếp tại tâm dịch và sự hi sinh to lớn của những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19, có lượt truy cập cao kỷ lục khoảng 500.000 view. Báo điện tử Tổ quốc mở riêng chuyên mục “Đạo đức xã hội” với tuyến bài tiêu biểu “Tự hào Việt Nam” vinh danh các nhân vật hết lòng vì cộng đồng. Báo điện tử Dân trí triển khai tuyến bài “Kiên cường Việt Nam” với 25 bài viết, tổng lượng truy cập xấp xỉ 700.000.
Báo điện tử VnExpress đăng nhiều câu chuyện khắc họa những con người bình dị “không ai biết mặt biết tên”, nhưng có niềm tin vào chính nghĩa, tình yêu cuộc sống thuần khiết, thu hút lượng đọc, lượt tương tác, bình luận, chia sẻ lớn. Hàng nghìn bài viết đã được đăng trong tuyến “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” của Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh. Báo điện tử Vietnamplus và nhiều cơ quan báo chí cũng có thêm cách thức lan toả thông điệp tích cực đến công chúng khi đăng tải các sản phẩm báo chí lên nền tảng mạng xã hội, kéo theo nhiều triệu lượt xem.
Các tin, bài về gương người tốt, việc tốt được Báo Công an nhân dân duy trì thường xuyên. Lượng view cao nhất là chùm tin bài về gương hy sinh dũng cảm của 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy trong vụ dập lửa, cứu người tại Hà Nội. Hoặc gần đây nhất có bài "Khi giang hồ rẽ lối... truyền thông" viết về sự hoàn lương của một số nhân vật từng vướng vòng lao lý, cũng có lượng view cao.
Chương trình “Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng” của Báo điện tử Vietnamnet là loạt bài về người tốt việc tốt đến nay đã duy trì được 3 năm. Mỗi bài báo đều đạt trên 200 ngàn lượt xem. Bài tổng kết, bình chọn nhân vật truyền cảm hứng vào dịp cuối năm của báo lên đến cả triệu view. Đài truyền hình Việt nam có các chuyên mục, chương trình: Việc tử tế, Cặp lá yêu thương, Trái Tim cho em, Hành trình hạnh phúc. Đài tiếng nói Việt nam có các chương trình Chân dung cuộc sống, Kết nối 54, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố với Chương trình: Người truyền cảm hứng, Đài PTTH Vĩnh Long có chương trình “Chuyện tử tế”, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với các chương trình như “Học Bác hôm nay”, “Những ngôi sao thầm lặng”, “Những câu chuyện đẹp” “HTV tôi kể”, “Nơi yêu thương ở lại”, Mái ấm gia đình Việt (hỗ trợ cho các em nhỏ có cha mẹ người thân mất trong đại dịch COVID -19.
Các cơ quan báo chí khác cũng tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng chỉ rõ, vẫn còn những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên, toà soạn báo và tạp chí. Vẫn còn nhiều tin, bài sa đà vào chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view. Lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực, vẫn không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tuỳ tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền. Vẫn còn tình trạng sao nhãng, vô cảm, thậm chí là coi thường tuyến đề tài về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến do quan niệm sai lầm là viết về việc tốt, người tốt sẽ không có khả năng thu hút độc giả.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm yêu cầu, báo chí không được đánh mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu, nhưng phản biện, phê phán nhằm xây dựng, phản biện, phê phán đến đâu thì vừa phải, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối. Đây là một việc khó nhưng không phải là không làm được, khi báo chí luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, khi có sự đồng lòng, quyết tâm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực".
Ngày 9/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”, coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.
Các cơ quan báo chí cần tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội, giúp ích cho công tác chỉ đạo, điều hành đất nước. Báo chí tham gia sâu, rộng hơn nữa vào hoạt động truyền thông chính sách; tăng cường năng lực phân tích, giải thích, định hướng, tạo sự đồng thuận để người dân hiểu, tin theo.
Tham luận tại hội nghị, đại diện cơ quan quản lý báo chí, đào tạo báo chí cùng nhiều cơ quan báo chí trung ương, địa phương đã đề cập đến nhiều khía cạnh trong hoạt động báo chí như chuyển đổi số; xây dựng môi trường báo chí chuyên nghiệp, nhân văn; tự chủ tài chính và thực hiện nhiệm vụ chính trị; tuyên truyền về KT-XH, ổn định dư luận, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của người dân; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; quản lý các văn phòng đại diện và phóng viên thường trú...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 cần hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là sự kiện cao cả không chỉ của riêng sự nghiệp báo chí cách mạng mà còn chung cho sự nghiệp văn hóa, tư tưởng của Đảng. Báo chí cần bám sát và thực hiện tốt mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng đã đặt ra là xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn, hiện đại, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng. Báo chí cần nhận thức đầy đủ hơn về chức năng và nhiệm vụ phản biện xã hội bởi có phản biện đúng, phản biện trúng thì báo chí mới góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn.
Về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, báo chí phải là lực lượng đi đầu, lực lượng tiên phong. Bên cạnh đó, báo chí cũng phải thể hiện hơn nữa trách nhiệm đồng hành, tiên phong về vấn đề thông tin đối ngoại.
Để đạt được những mục tiêu trên, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị báo chí cần đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các cơ quan quản lý báo chí cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí, phát triển, hiện đại hóa báo chí. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến nguồn lực cho báo chí, cả về con người, về đầu tư ứng dụng công nghệ và về tài chính, ngân sách. Các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí cần tập trung xây dựng, đẩy mạnh phát triển tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường của dân tộc, đồng hành về vấn đề an sinh xã hội. Đây cũng chính là những việc làm góp phần lan tỏa sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam.