Vương quốc Anh gia nhập CPTPP góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo liên quan đến việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (gọi tắt là Vương quốc Anh).
Cơ hội và thách thức khi phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh
Trình bày tờ trình đề nghị phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, ngày 1/2/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành. “Về cơ bản, đàm phán gia nhập CPTPP là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong CPTPP. Ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành Thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định” – Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết.
Đánh giá tác động của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP đối với Việt Nam ở góc độ song phương, Phó Chủ tịch nước cho rằng, sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh. “Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để Việt Nam tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường” - Phó Chủ tịch nước nêu điểm khác biệt.
Ở góc độ đa phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ với châu Âu, giúp nâng tầm CPTPP từ một hiệp định trong khuôn khổ khu vực thành một hiệp định mang tính toàn cầu, đồng thời góp phần vào sự phát triển hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán ta đã đạt được sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại - đầu tư của Việt Nam với Vương quốc Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn…
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng nêu rõ: Chính phủ đề xuất phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư; Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào liên quan đến Việt Nam trong Nghị định thư gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và không có kiến nghị phản đối bảo lưu của Vương quốc Anh; Chính phủ kiến nghị áp dụng toàn bộ nội dung của Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh…
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch nước cũng cho biết, khi Vương quốc Anh gia nhập CPTPP cũng đặt ra các thách thức đối với Việt Nam, bởi đây là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh vẫn đứng trước thách thức về đạt tiêu chuẩn lưu hành nội địa. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhưng do cơ cấu kinh tế của Vương quốc Anh và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh
Làm rõ một số vấn đề trong đề nghị gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc tham gia của Vương quốc Anh sẽ là cơ sở, điều kiện tiêu thụ tốt hơn cho nhiều mặt hàng nông sản tiềm năng và có thế mạnh của Việt Nam như gạo, thủy sản,…
Trong khuôn khổ CPTPP, đối với gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực lên 17.500 tấn từ năm thứ 8 (năm 2030) trở đi với mức thuế hạn ngạch là 0%. Mặt hàng cá ngừ cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm.
“Cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có văn bản chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều này rất thuận lợi cho Việt Nam trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử và bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá ít hơn so với quy định” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, Uỷ ban Đối ngoại nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn Văn kiện như đã nêu tại Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo Thuyết minh của Chính phủ. Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư.
“Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương Quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế. Do đó, Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị.
Tận dụng tốt hơn các lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do đem lại
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại và nhất trí với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh ngay tại kỳ họp này. Các ý kiến cho rằng, việc phê chuẩn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam cả về khía cạnh ngoại giao và thương mại.
Nêu quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Quốc hội phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh sẽ tạo thêm cơ hội cho hàng hoá 11 nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam tiếp cận thị trường, góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đại biểu đề nghị cần phát huy hơn nữa những tiềm năng, lợi ích từ việc tham gia CPTPP; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp các doanh nghiệp, địa phương hiểu rõ những nội dung của CPTPP nhằm tận dụng tối đa lợi ích mà hiệp định đem lại và cần phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Nhấn mạnh, CPTPP là một trong 16 FTA mà Việt Nam đã ký kết, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) nhắc lại việc nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên về giải pháp nhằm khai thác, tận dụng tối đa các lợi ích mà các FTA đem lại. Đại biểu mong muốn, thời gian tới, việc thực hiện các FTA trong thời gian tới sẽ hiệu quả hơn.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, các cơ quan tiếp tục hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết vào cuối kỳ họp; giao Chính phủ khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết, bao gồm cả sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, hoàn thiện các văn bản pháp lý cần thiết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhằm phát huy tốt nhất lợi ích, tiềm năng của các FTA; chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm đẩy mạnh toàn diện hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của đất nước sau khi văn Quốc hội phê chuẩn Văn kiện.