Vụ "chuyến bay giải cứu" là hết sức đau lòng với ngành ngoại giao
Tại phiên chất vấn nhóm lĩnh vực ngoại giao chiều 18/3, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, vừa qua, nhiều lãnh đạo, cán bộ ngành ngoại giao vi phạm pháp luật trong vụ "chuyến bay giải cứu", phải chăng đây là phần nổi trong "tảng băng chìm" của ngành ngoại giao? Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này, Bộ trưởng sẽ làm gì để lấy lại hình ảnh của ngành ngoại giao trước nhân dân và bạn bè quốc tế?
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thừa nhận, vụ "chuyến bay giải cứu" vừa qua là sự kiện hết sức đau lòng với ngành ngoại giao, với truyền thống gần 80 năm. "Đau xót với cá nhân, gia đình các cán bộ nữa, chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc, rút ra các biện pháp, để kiên quyết chấn chỉnh", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước hết, tăng cường phổ biến, quán triệt, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt chú ý đến công tác chính trị tư tưởng. "Ngành ngoại giao ở bên ngoài là ngành tác chiến độc lập, không giữ được bản lĩnh, phẩm chất đạo đức thì sao làm được. Chúng tôi rất kiên định liên quan vấn đề này, đề cao gương mẫu, tính trách nhiệm của người đứng đầu", ông nêu giải pháp.
Quán triệt tinh thần phụng sự, phục vụ người dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; công khai, minh bạch trong công tác, rà soát, hoàn thiện các quy trình, đặc biệt liên quan đến tiêu cực. Đặt trọng tâm là công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
"Cùng với đó, xây dựng chế độ, chính sách cho cán bộ, mong đại biểu ủng hộ để nâng cao sinh hoạt phí cho các cán bộ cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, để anh em có động lực và cũng thể hiện tầm vóc của nền ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài", Bộ trưởng trải lòng.
Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sẽ xây dựng quy chế về bổ nhiệm cán bộ, từ Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và tất cả cán bộ trong các cơ quan đại diện, đảm bảo đủ các yếu tố: năng lực, phẩm chất, bản lĩnh chính trị. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết, hiện nay, có khoảng 70.000 người Việt Nam đã và đang sinh sống lâu dài tại Campuchia nhưng chưa được công nhận quyền công dân tại nước sở tại. Nhiều người sống khổ sở tại khu ổ chuột của Campuchia. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao đã có những động thái gì để thúc đẩy tiến trình giải quyết, công nhận quyền công dân cho người Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia, đảm bảo quyền con người cho họ?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin, cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, địa vị pháp lý còn thấp, đời sống còn thiếu thốn. Vừa qua, các cấp có thẩm quyền đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để hỗ trợ, nhằm tập trung hỗ trợ cấp căn cước, cho nhập Quốc tịch Campuchia, phối hợp chính phủ nước bạn tái cơ cấu công việc cho đồng bào...
"Trên tinh thần quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia, lãnh đạo cấp cao nước ta cũng rất quan tâm đến nội dung này trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc. Bộ Ngoại giao cũng có kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai công tác hỗ trợ, nâng cao địa vị pháp lý và đời sống của người Việt tại Campuchia", Bộ trưởng nói.