Vĩnh Phúc: Yên Lạc về đích sớm huyện nông thôn mới nâng cao

Thứ Ba, 06/08/2024, 17:33

Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Yên Lạc đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Với nền tảng sẵn có là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, Yên Lạc đã chạm đích huyện nông thôn mới nâng cao vào tháng 6/2024, vượt trước 6 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII.

Dẫn đầu tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao

Huyện Yên Lạc có 17 đơn vị hành chính, 83 làng truyền thống, 125 thôn dân cư, 29 tổ dân phố và nhân dân luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, những năm qua, huyện Yên Lạc có nhiều bước tiến mới và vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng được các vùng, sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao và từng bước hình thành, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh.

Vĩnh Phúc: Yên Lạc về đích sớm huyện nông thôn mới nâng cao -0
Từ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhiều mô hình phát triển kinh tế hình thành, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân.

Với nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn và tạo ra được các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, Yên Lạc đang dẫn đầu tỉnh về xây dựng nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, với 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao đã hoàn thành. Tính đến hết tháng 4/2024, Yên Lạc có 9/15 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 74/125 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 xã đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; 01 xã đạt tiêu chí xã thông minh; 4 thôn đạt tiêu chí thôn thông minh; 125/125 thôn văn hóa, 17/17 xã, thị trấn có thiết chế văn hóa xã, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 86%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí nông thôn mới giảm còn 0,62%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 72 triệu đồng/người/năm.

Vĩnh Phúc: Yên Lạc về đích sớm huyện nông thôn mới nâng cao -0

Theo UBND huyện Yên Lạc, giai đoạn 2020 - 2023, huyện Yên Lạc huy động trên 2.730 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh trên 267 tỷ đồng; ngân sách huyện 120,8 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 312,9 tỷ đồng. Tích cực góp sức vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, Mặt trận tổ quốc huyện đã xây dựng 369 tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp với tổng chiều dài 110.459m, tổng số tiền nhân dân ủng hộ trên 4 tỷ đồng và 4.849 ngày công.

Tại xã Đồng Cương, nhân dân đã thực hiện vẽ tranh, trồng cây xanh, trồng hoa hoặc hàng rào xanh phù hợp trên các tuyến đường trục xã, trục thôn và ngõ xóm tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp với tổng 189 bức tranh, kinh phí 490 triệu đồng đều do nhân dân tự nguyện đóng góp, duy trì và xây dựng 21 tuyến đường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp năm 2022 và năm 2023 tại các thôn với tổng chiều dài 7,8 km. Trong giai đoạn 2021 – 2023, nhân dân trên địa bàn xã đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng và ủng hộ hàng nghìn ngày công lao động cho chương trình xây dựng NTM nâng cao của xã.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Cương đã đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú như: Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; Tuyên truyền lồng ghép qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội; treo băng zôn, khẩu hiệu; kẻ, vẽ tranh, áp phích….Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, Ủy ban MTTQ xã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên phát động phong trào vệ sinh môi trường đến các hộ gia đình, tạo ý thức, thói quen duy trì vệ sinh hàng ngày của mỗi gia đình ở các khu dân cư, định kỳ ra quân tổng vệ sinh môi trường ở các đường làng, ngõ xóm. Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải được tiến hành ngay tại hộ gia đình; xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi đúng nơi quy định; không được đổ rác bừa bãi nhất là các túi đựng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật được triển khai đến các hộ gia đình trên địa bàn xã. Việc triển khai vận động nhân dân trồng cây xanh, cây bóng mát, trồng hoa; quy hoạch vườn, ao, chuồng và các công trình vệ sinh, đảm bảo mỹ quan và môi trường được xã triển khai thực hiện. Xã đã duy trì và nhân rộng mô hình đoạn đường hoa trên các tuyến đường giao thông nhằm hạn chế tình trạng tập kết chất thải, vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Đức Nguyễn Hữu Hởi khẳng định, những thành quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; trong đó, quan trọng nhất là sự đồng thuận của nhân dân cùng vào cuộc để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ sau 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Nguyệt Đức đã huy động được hơn 200 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng. 100% đường giao thông được cứng hóa và có hệ thống đường điện chiếu sáng.

Tại các thôn, người dân tích cực đóng góp sức người, sức của để hưởng ứng phong trào xây dựng tuyến đường kiểu mẫu sáng, xanh, sạch, đẹp. Đến nay, người dân trong xã đã trồng mới hàng chục km cây bóng mát và cây hoa các loại dọc các tuyến đường, ngõ xóm, vẽ được trên 1.000 m2 tranh bích họa góp phần làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc, tươi mới. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân xã Nguyệt Đức đang tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, xây dựng các mô hình trang trại. Hiện nay, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp xóm. UBND xã Nguyệt Đức đã xây dựng trang thông tin điện tử của xã để quảng bá hình ảnh, kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Mặt khác, lắp đặt mã địa chỉ số điện tử ở các nhà dân.

Vĩnh Phúc: Yên Lạc về đích sớm huyện nông thôn mới nâng cao -0

Nhờ những nỗ lực không ngừng của cả cấp ủy, chính quyền và người dân, Nguyệt Đức đã trở thành xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 và chuẩn bị được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024, thu nhập bình quân đạt 75,45 triệu đồng/người/năm.

Hay Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tham gia xây dựng, duy trì 12 mô hình “3 sạch”, 2 mô hình “5 có 3 sạch”, 170 mô hình đường hoa phụ nữ, 90 tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; 150 đoạn đường phụ nữ tự quản, 8 câu lạc bộ, tổ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon, 4 câu lạc bộ phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường, 75 tổ, nhóm phụ nữ vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; 64 mô hình nhà sạch vườn xanh; 55 mô hình phân loại, xử lý rác thải tại gia đình. Hội Cựu chiến binh vận động cán bộ, hội viên đóng góp trên 1,2 tỷ đồng, ủng hộ trên 1,6 tỷ đồng, hiến gần 400m đất, gần 3.400 ngày công, vẽ 1.400m2 tranh, trồng trên 79.400 cây xanh, hoa các loại.

Tạo đột phá trong phát triển kinh tế

Xác định sự thay đổi trong xây dựng nông thôn mới nâng cao là đột phá trong phát triển kinh tế, thời gian qua, với việc triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc thù của mỗi địa phương, huyện Yên Lạc đã tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và góp phần đóng góp vào tăng trưởng GRDP của địa phương.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, với sự tham gia của 14.480 hộ gia đình và 39 HTX, 07 doanh nghiệp đã tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP như: nho đen không hạt; bánh đúc ngon Miền Cầu; dưa lưới; xúc xích chua thái, xúc xích Pandora; bánh đa nem Phong Đăng, bánh da Codosa, mỳ tăm Thành Nam; miến dong; bánh đúc; khoai Hoàng Long...

Trên lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, toàn huyện có 197 doanh nghiệp, 09 HTX và trên 10.000 hộ gia đình tham gia sản xuất, xong đây là lĩnh vực đóng góp phần lớn tỷ trọng trong phát triển kinh tế chủ lực của địa phương. Nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tại các làng nghề thuộc thị trấn Yên Lạc và xã Yên Phương; có sản phẩm thép và phôi thép, nhựa, sơ, sợi, gia công tái chế nhựa của một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần thép Trường Biện, Công ty Cổ phần thương mại sản xuất Khải Thành, Công ty TNHH sản xuất và thương mại thép Việt Nga và các cơ sở sản xuất kinh doanh trong Cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống ...; Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm là chăn, ga, gối, đệm tại xã Yên Đồng; sản phẩm tơ nhựa tại thị trấn Tam Hồng đang phát triển mạnh và đa dạng về mẫu mã được phân phối đi khắp các địa phương trong cả nước. Theo thống kê từ năm 2016 đến nay, các sản phẩm đặc thù, chủ lực, sản phẩm có lợi thế đã đóng góp cho ngân sách địa phương 2.500 tỷ đồng. Riêng sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã đóng góp gần 60% tỷ trọng tăng trưởng GRDP trên địa bàn.

Theo ông Trần Văn Trò, Chủ tịch UBND xã Trung Kiên, thời gian qua, người dân trên địa bàn đã thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, cải tạo vườn tạp sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây chủ lực có năng suất, hiệu quả cao, phù hợp với lợi thế địa phương. Theo đó, nhiều hộ đưa cây bưởi vào canh tác sản xuất. Hiện nay, xã Trung Kiên Yên Lạc với các loại bưởi diễn, bưởi phật thủ, bưởi da xanh... Nhiều hộ gia đình có diện tích trồng bưởi lớn, đem lại hiệu quả kinh tế, cho thu nhập cao như hộ ông Nguyễn Đức Quân, Đỗ Văn Kim thôn Trung Giang, ông Trần Văn Tẽo thôn Lưỡng 2… Trên địa bàn xã cũng hình thành nhiều khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa, mô hình nuôi ốc nhồi… Nhờ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ đã nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 64,7 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,99%.

Vĩnh Phúc: Yên Lạc về đích sớm huyện nông thôn mới nâng cao -0

Việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương không chỉ tạo công ăn việc làm, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ, mà còn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, với sự phát triển nhiều sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm có lợi thế trong thời gian qua đã giúp cho huyện hình thành các nguồn cung nguyên vật liệu, tạo ra các chuỗi liên kết cung ứng trong sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lạc cho biết, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Yên Lạc đưa việc tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tạo ra sự sự đồng thuận, chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân.

Huyện Yên Lạc xác định mục tiêu lớn nhất của xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu là giữ được các tiêu chí một cách ổn định, thực chất là lâu bên nhất; trong đó ngày càng nâng cao chất lượng của sống của nhân dân trên địa bàn.

Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Yên Lạc đang tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu hết năm 2024, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 88/125 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 xã đạt chuẩn xã thông minh; thị trấn Tam Hồng và thị trấn Yên Lạc đạt chuẩn đô thị văn minh. Đến năm 2030 trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cấp đô thị đạt loại IV, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, sinh hoạt của cư dân nông thôn.

Nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu này, huyện Yên Lạc sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch; đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông; đẩy mạnh phát triển kinh tế, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường tuyên truyền huy động sức dân chung sức thực hiện, duy trì, nâng cao chất lượng từng tiêu chí, nhất là các tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, cảnh quan môi trường. Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thành và duy trì 54/54 trường đạt chuẩn quốc gia; phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng, tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Lưu Hiệp- Minh Hiền
.
.
.