Vĩnh Phúc phát triển các khu công nghiệp, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển lên 24 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 4.815 ha, sau năm 2030 với quy mô 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 quy mô 10.000 ha. Để đạt mục tiêu đề ra và tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện có, các ngành chức năng đã và đang xây dựng kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Phát triển các khu công nghiệp theo quy hoạch
Khởi công từ tháng 6/2023 với tổng diện tích quy hoạch hơn 165 ha nằm trên địa bàn 2 xã Đồng Thịnh và Yên Thạch, dự án KCN Sông Lô II do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Với mục tiêu xây dựng KCN kiểu mẫu, hiện đại, ngay sau khi được huyện Sông Lô bàn giao mặt bằng đợt I, với tổng diện tích 152,76ha, tương đương 93% tổng diện tích theo quy hoạch, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc đã huy động nhân công, phương tiện triển khai thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và dự kiến đến tháng 9/2024, KCN này sẽ có 20 ha đất sạch, có hạ tầng để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại.
KCN Nam Bình Xuyên do Công ty TNHH phát triển Nam Bình Xuyên Green Park làm chủ đầu tư, được Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 6/2023, thuộc địa bàn các xã, thị trấn Phú Xuân, Tân Phong, Hương Canh, Đạo Đức (Bình Xuyên). Dự án có tổng diện tích gần 296 ha, vốn đầu tư đăng ký 2.200 tỷ đồng. Trong đó, phần đất xây dựng hạ tầng KCN 290 ha, đất hành lang lưới điện cao thế 220Kv hơn 5,5 ha. Đến thời điểm hiện tại, diện tích đã thực hiện xong bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 56/290 ha; diện tích còn phải thực hiện kiểm đếm, kê khai, quy chủ hơn 97 ha; diện tích đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đạt 33,7ha.
Hiện nay, chủ đầu tư đang tiến hành lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch 1/500; làm việc với Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thống nhất kinh phí, nghiên cứu, điều chỉnh hướng tuyến đường dây 110kv đi qua KCN và dịch chuyển trạm biến áp 110kv hiện nằm trong KCN.
Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1, quy mô 150 ha và cho thuê hạ tầng từ tháng 10/2024; giai đoạn 2 có quy mô hơn 140 ha sẽ đi vào vận hành năm 2026. KCN Nam Bình Xuyên thu hút các nhà đầu tư sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, lắp ráp linh kiện máy móc, sản xuất linh kiện, phụ kiện hàng không, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng…
KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. KCN được thành lập theo Quyết định số 264 của UBND tỉnh với tổng diện tích 145 ha (đất công nghiệp hơn 108 ha) thuộc địa bàn thị trấn Hoa Sơn, xã Liễn Sơn, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch. Dự án có tổng số vốn đầu tư 774 tỷ đồng do Công ty cổ phần Amane làm chủ đầu tư. Trong đó, tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 117 ha. Tính đến hết ngày 29/7/2024, diện tích được kiểm kê, kiểm đếm là 114 ha và diện tích thực hiện giải phóng mặt bằng xong khoảng 102 ha.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đơn vị hiện đang triển khai các hạng mục xây dựng trạm xử lý nước thải, san nền các lô CN4 (giai đoạn 1), lô KT1, xây dựng các tuyến đường 2 và 5, với tổng mức đầu tư hơn 269 tỷ đồng; đang tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, đạt 85% giá trị công trình. Bên cạnh những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, chủ đầu tư Công ty cổ phần Amane đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục về xác định giá thuê đất; xin cấp phép khai thác đất, khai thác tận dụng đất thừa làm vật liệu san lấp thông thường; bố trí nguồn vốn để hoàn thành xây dựng khu tái định cư…
Ông Hà Đình Nhã, Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn Vĩnh Phúc có 17 KCN đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động (Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa – khu vực II – giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc); 3 KCN đang triển khai xây dựng (Sơn Lôi, Tam Dương I- khu vực 2, Sông Lô I; và 5 KCN chưa được giao đất, chưa triển khai xây dựng (Bình Xuyên II-giai đoạn 2, Nam Bình Xuyên, Phúc Yên, Sông Lô I, Đồng Sóc).
Tính đến hết tháng 8/2024, trong các KCN đã thu hút được 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 117 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.742,89 triệu USD). Trong đó, có 413 dự án đang hoạt động (334 dự án FDI và 79 dự án DDI), chiếm 83,8% tổng số dự án đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy KCN là 44,62% (tính theo đất được giao là: 70,62%). Các dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với ngành nghề sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, chiếm 50,4%; lắp ráp ô tô, xe máy chiếm 12,8%... Vốn thực hiện các dự án đạt từ 60%- 65%, các KCN giải quyết việc làm cho trên 142.400 lao động.
Đẩy nhanh tiến độ bồi thường và giải phóng mặt bằng
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã đi kiểm tra thực tế tiến độ triển khai một số dự án đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn huyện Sông Lô và Lập Thạch, gồm: Sông Lô I, Sông Lô II và Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II, giai đoạn 1). Dự kiến sau khi hoàn thành, các KCN sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư hiện đang gặp phải một số khó khăn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, nguồn vật liệu san lấp mặt bằng và việc xác định giá thuê đất để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, chủ đầu tư kiến nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định giá thuê đất; nguồn vật liệu san lấp mặt bằng; bố trí nguồn vốn để hoàn thành xây dựng khu tái định cư…
Đánh giá cao sự nỗ lực của các chủ đầu tư hạ tầng KCN trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, quy hoạch các điểm mỏ phục vụ san lấp mặt bằng. Trong đó, Sở Tài chính chủ động rà soát lại tất cả các dự án KCN đang thiếu vốn xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng để Quỹ Phát triển đất tỉnh ứng vốn.
Về việc xác định giá thuê đất của các KCN, đồng chí yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành công tác tham mưu, báo cáo UBND tỉnh. Trong giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu san lấp mặt bằng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tìm kiếm các điểm mỏ trong và ngoài tỉnh để giải quyết vấn đề đất san lấp.
Đồng chí cũng yêu cầu UBND huyện Sông Lô và Lập Thạch phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư. Riêng đối với Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II, chủ đầu tư cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó phải lưu ý sớm hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải. Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cùng lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan đã đi kiểm tra thực địa tại hồ Vân Trục. Qua kiểm tra, đồng chí đề nghị các sở, ngành liên quan cùng huyện Lập Thạch có giải pháp xử lý bèo tây xâm thực mặt hồ; quan tâm tạo môi trường, cảnh quan hướng tới du lịch sinh thái kết hợp nuôi thủy sản…
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc có 24 KCN với tổng diện tích là 4.815 ha, sau năm 2030 với quy mô 7.000 ha và tầm nhìn đến năm 2050 lên quy mô 10.000 ha, trong đó, ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội-Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5.
Để đạt mục tiêu đề ra và tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã và đang tập trung tham mưu về định hướng cụ thể, số lượng, nhóm ngành ưu tiên phát triển tại các KCN; đôn đốc nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ BT-GPMB, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng đối với các KCN mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/quyết định thành lập; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện đúng tiến độ đầu tư, bảo đảm chất lượng, kết cấu hạ tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng, quy định về môi trường. Theo kế hoạch dự kiến phát triển các KCN, giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển 19 KCN; đồng thời quy hoạch, phát triển mới 5 KCN để đến năm 2030 tỉnh có 24 KCN.
Phát triển công nghiệp được chia thành 2 vùng, trong đó, vùng công nghiệp động lực tại thành phố Phúc Yên và các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, bám dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và trục đường Vành đai 4 của tỉnh, phát triển mạnh về công nghiệp điện tử và vùng công nghiệp phụ trợ tại các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, bám dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, trục đường Vành đai 4 của tỉnh và đường tỉnh 310, phát triển mạnh về công nghiệp chế biến trong nông nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và BT-GPMB, nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN đã hình thành gồm Khai Quang, Bá Thiện II, Bá Thiện, Sơn Lôi, Bình Xuyên, Tam Dương II - khu A, thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích các KCN này. Tập trung nguồn lực vào công tác BT-GPMB và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN Sông Lô I, Sông Lô II, Nam Bình Xuyên, Bình Xuyên II - giai đoạn 2, Tam Dương I - khu vực 2, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực 2 - giai đoạn 1), Đồng Sóc, Phúc Yên, Bá Thiện (phân khu I và II), thu hút đầu tư lấp đầy khoảng 40% diện tích các KCN này và dự kiến thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 4-8 KCN đến hết năm 2025.
Giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lập quy hoạch phân khu xây dựng, kêu gọi thu hút đầu tư các KCN Đồng Sóc - Yên Lạc, Yên Lạc, Sông Lô III và dự kiến các KCN có tiềm năng, thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật; ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Vành đai 4, Vành đai 5.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã giao nhiệm cụ thể cho Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc và các sở, ngành liên quan kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, khẩn trương lập quy hoạch xây dựng KCN theo quy định tại Nghị định số 35 của Chính phủ; yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN, các doanh nghiệp trong KCN chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam; tập trung nguồn lực triển khai các dự án hạ tầng bảo đảm đồng bộ, hiện đại chất lượng cao, bảo vệ môi trường. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; quan tâm chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm giá thuê đất KCN, giá thuê nhà xưởng hợp lý. Hướng tới mục tiêu phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh.
“Với phương châm các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp giàu, Vĩnh Phúc phát triển. Tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại tỉnh", ông Trần Duy Đông khẳng định.
Xu hướng tất yếu phát triển KCN sinh thái theo hướng bền vững
Tại Hội nghị “Phát triển bền vững khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc”, do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra 7 giải pháp định hướng phát triển bền vững đối với các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới, bao gồm: Tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình từ các KCN truyền thống sang phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành đã xác định Quy hoạch tỉnh. Lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai. Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, startup được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...; Thu hút đầu tư có chọn lọc, trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên; Phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; Phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; bảo đảm bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, bảo đảm cho việc phát triển bền vững các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại ban quản lý KCN, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN tại địa phương thông qua: Cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, khu dịch vụ logistic); Tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Xây dựng đô thị Bình Xuyên văn minh, hiện đại
Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bình Xuyên Đỗ Anh Tuấn cho biết: "Đồ án quy hoạch chung đô thị Bình Xuyên đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển đô thị theo mô hình đa trung tâm, phát triển đô thị trên cơ sở mạng lưới các đường trục chính, kết hợp các trục liên kết các khu chức năng đô thị; phân bổ dựa theo chuỗi, điểm, cụm, khu vực, hành lang phát triển, tận dụng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị. Đồng thời phát triển đô thị Bình Xuyên trở thành một phần hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam của tỉnh; liên kết các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện với các khu vực kinh tế Phúc Yên, Yên Lạc, Vĩnh Tường và các tỉnh lân cận. Phát triển đô thị Bình Xuyên trở thành một phần vùng đô thị, công nghiệp trung tâm của tỉnh; tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ, du lịch; trọng điểm là phát triển công nghiệp công nghệ cao". Để trở thành thị xã theo đúng lộ trình đã đề ra, huyện Bình Xuyên đang tập trung nguồn lực đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng, xây dựng các không gian chức năng đô thị như quảng trường, công viên và các hạng mục công việc khác. Cùng với đó, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, tạo sự liên thông, kết nối thuận tiện giữa các địa phương với các khu, cụm công nghiệp và giữa các nhà máy, các khu công nghiệp với nhau… Phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành việc xây dựng đô thị công nghiệp gắn với du lịch, thương mại, dịch vụ hiện đại và văn minh.
Thời điểm này, UBND huyện Bình Xuyên đã rà soát, đánh giá các tiêu chí hiện trạng trên toàn địa bàn và khu vực được xác định là vùng nội thị Bình Xuyên đến năm 2025 so với các tiêu chí phân loại đô thị loại IV. Qua đó, hiện trạng đô thị Bình Xuyên đạt tổng điểm 86,41/100 theo quy định đánh giá điểm của các tiêu chuẩn của tiêu chí phân loại đô thị loại IV. Vì vậy, hiện trạng đô thị huyện Bình Xuyên đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Hiện nay, huyện Bình Xuyên đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 8 dự án công viên cây xanh.