Vĩnh Phúc đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT – XH) cơ bản đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết nối giữa Vĩnh Phúc với các vùng kinh tế khác
Vĩnh Phúc có vị trí địa lý quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và nằm trong 3 vùng quy hoạch quan trọng của miền Bắc gồm Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và nằm trên hành lang kinh tế quốc tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Phát huy tiềm năng và lợi thế, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, tập trung ưu tiên những lĩnh vực đột phá như giao thông, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch...Đến nay, hệ thống điện - đường - trường - trạm của tỉnh được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với hạ tầng cấp nước, tỉnh tập trung phát triển một số nhà máy nước sạch tại các huyện và mở rộng mạng lưới cấp nước đến các hộ dân khu vực nông thôn. Nâng cấp và xây dựng một số hệ thống hồ trữ nước quan trọng, chủ động phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở, hạn hán, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hạ tầng số hiện đại ngày càng phát triển đồng bộ, liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành. Kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng sinh thái, bền vững…
Với phương châm “đi trước một bước”, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã dành 19.526 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với mục tiêu kết nối giữa vùng đô thị Vĩnh Phúc với các vùng kinh tế khác.
Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương 1.796 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 4.612 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn khác 13.118 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư giai đoạn này từ ngân sách trung ương 9,20%; vốn ngân sách địa phương 23,62%; vốn xã hội hóa 67,18%.
Riêng năm 2024, tỉnh bố trí gần 1.400 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm, trong đó có 7 công trình thuộc lĩnh vực hạ tầng xã hội và 9 dự án lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông như Trường THPT Trần Phú; đường Hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đoạn từ đường Hợp Thịnh - Đạo Tú đến ĐT.304 kéo dài…
Điển hình là dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Vành đai 4 đi đê tả sông Hồng với tổng mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án xây dựng và Phát triển Cụm công nghiệp Yên Lạc làm chủ đầu tư; liên danh Công ty cổ phần KEHIN và Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu Cieza Vĩnh Phúc thi công.
Được khởi công cuối năm 2023, đến nay, liên danh nhà thầu đang triển khai hạng mục bóc hữu cơ và đắp nền đường bằng đất cấp 3 với tổng chiều dài 2,3/2,9km; khối lượng thi công ước đạt 20% giá trị hợp đồng. Sau khi hoàn thành, công trình không chỉ từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt mà còn tạo nền tảng cho phát triển KT - XH và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.
Tại công trường đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, giai đoạn 1 (đoạn từ ĐT.305 đến ĐT.306) đang rất khẩn trương. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động của nhà thầu bám sát công trường, tập trung máy móc, đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra. Tuyến đường 2 chiều, được thiết kế 6 làn xe, dài hơn 4km đang dần hiện hữu. Khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng khung đô thị huyện Lập Thạch, kết nối giao thương, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xác định “chìa khóa” mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào huyện là phát triển hạ tầng giao thông, huyện Lập Thạch đã huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm tăng tính kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư.
Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công tác chỉnh trang đô thị cũng được huyện đặc biệt quan tâm trong những năm qua. Huyện đã tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng vùng huyện Lập Thạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, huyện đã đầu tư hoàn chỉnh khu công viên cây xanh, quảng trường, hồ điều hòa trung tâm huyện; công viên Ngô Gia Tự, thị trấn Lập Thạch; chỉnh trang, bổ sung cây xanh khu vực đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, xã Sơn Đông... và đang tiếp tục triển khai các dự án công viên cây xanh trong khu vực các đô thị còn lại. Đồng thời, tiếp tục triển khai phong trào xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, sáng - xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện. Các tuyến đường nội thị được nâng cấp, mở rộng, cải tạo lòng đường, vỉa hè, trồng cây xanh, bố trí điện chiều sáng, điện trang trí, hạ ngầm đường dây hạ thế khiến diện mạo đô thị của huyện thêm khang trang, hiện đại.
Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lập Thạch Trương Thái Dũng cho biết: "Nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, hướng đến huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, Phòng Kinh tế hạ tầng đã tích cực tham mưu UBND huyện Lập Thạch tập trung chỉ đạo thực hiện lập các đồ án quy hoạch theo đúng phân cấp, bảo đảm đồng bộ giữa các cấp độ quy hoạch. Đối với Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đã lập xong, xin ý kiến các sở, ban ngành, địa phương, ý kiến cộng đồng dân cư, đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa, trình thẩm định, phê duyệt. Thời gian tới, huyện sẽ đầu tư, nâng cấp một số tuyến đường kết nối với các địa phương lân cận như cải tạo, nâng cấp đường giao thông liên xã; tuyến đường từ nút giao Văn Quán đến trung tâm huyện lỵ Sông Lô đi UBND xã Cao Phong, kết nối với huyện Sông Lô; đường vành đai thị trấn Lập Thạch đoạn từ ĐT.307 đến đường nội thị thị trấn Lập Thạch kết nối với huyện Sông Lô… Đồng thời, nâng cấp các tuyến đường huyện, xã, đường nông thôn theo quy hoạch kết nối với các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh phục vụ vận chuyển, giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ có quy mô lớn vào huyện".
Xây dựng hạ tầng khung đô thị
Hiện thực hóa các quy hoạch của tỉnh; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị là nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh và các địa phương đang nỗ lực triển khai nhằm đưa Vĩnh Phúc hoàn thành các tiêu chí trở thành đô thị loại I và sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và có thêm nhiều công trình, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng trong nhiệm kỳ này và những năm tiếp theo, góp phần hoàn thiện hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, hằng năm, tỉnh đã phân bổ nguồn đầu tư cho các dự án xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo mục tiêu đã đề ra, nhất là các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội; các tuyến giao thông trọng điểm, cầu kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận, tạo sự kết nối nhanh chóng, liên kết vùng theo quy hoạch.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các huyện, thành phố cũng đang tập trung nguồn lực để từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị của địa phương mình. Cùng với thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên được quy hoạch nằm trong khu vực nội đô của đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai, huyện đang tích cực triển khai nhiều dự án hạ tầng đô thị để được công nhận là đô thị loại IV, các xã, thị trấn đạt tiêu chí của phường và sớm trở thành thị xã. Đơn cử như Dự án xây dựng nhà văn hóa công nhân và người lao động tại thị trấn Hương Canh, đây là dự án quan trọng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của công nhân, người lao động trên địa bàn huyện; góp phần hoàn chỉnh tiêu chí cơ sở hạ tầng trong đánh giá đô thị. Dự án có tổng diện tích gần 10.000m2 với tổng mức đầu tư 27 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư đã và đang được nhà thầu tập trung nhân lực, thi công bảo đảm vượt tiến độ, cũng như chất lượng công trình. Theo đó, dự án bao gồm các hạng mục nhà đa năng, bể bơi, 2 sân bóng đá và hạ tầng kỹ thuật… Dự án bắt đầu thi công từ tháng 6/2023 và phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2024, đến nay, dự án đã đạt khoảng 80% khối lượng.
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng đô thị và tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đã triển khai nguồn vốn cho các dự án do huyện làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Ban cũng tập trung chỉ đạo, bám sát các công trình, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024. Nhờ vậy, chỉ tính đến hết quý I/2024, huyện Bình Xuyên đã giải ngân được trên 160 tỷ đồng, đạt gần 50%, là địa phương đứng đầu toàn tỉnh.
Với thời tiết thuận lợi, năng lực thi công của các nhà thầu và nguồn vốn đầu tư công được phân bổ kịp thời từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công các công trình, hạng mục. Cùng với đó, các dự án gặp vướng mắc khó khăn về trình tự, thủ tục pháp lý đang được các sở, ban, ngành tích cực tháo gỡ phấn đấu hoàn thành và vượt tiến độ thi công các công trình, dự án tiến tới hoàn thiện hạ tầng khung đô thị đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Bền bỉ theo đuổi và cụ thể hóa phương châm hạ tầng đi trước một bước, tỉnh đã quy hoạch, hoạch định đường lối tạo nền tảng cho sự phát triển cho tương lai. Tính riêng từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 06 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng và 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, chỉ đạo lập Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; điều chỉnh Chương trình tổng thể Xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2), Đề án Chỉnh trang đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và Đề án Phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, là bước thể chế tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong dài hạn; là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức, sắp xếp không gian lãnh thổ, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Kiên định mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương gắn với thực hiện Kết luận số 72 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với mục tiêu đến năm 2030, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các chính sách về đầu tư công, quy hoạch, phát triển hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện và đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện đầu tư.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường… nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.