Việt Nam tham dự Hội nghị Nghị viện trù bị COP26
Trong các ngày 8 - 9/10, Quốc hội Italy phối hợp với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức Hội nghị Nghị viện trù bị trước thềm kỳ họp Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26).
Hội nghị quy tụ tất cả các nhà lãnh đạo và đại diện Quốc hội các nước trên thế giới. Đoàn Việt Nam tham dự sự kiện này do đồng chí Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, làm Trưởng đoàn.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio khẳng định: “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không thể trì hoãn. Chúng ta phải cùng nhau hành động và ngay lập tức. Vấn đề khí hậu không còn khoảng cách giữa các quốc gia, chúng ta cần một cam kết toàn cầu”. Ông Di Maio cũng đánh giá cao việc Mỹ trở lại với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn hiệp định này. Ông khẳng định: “Việc Washington tái gia nhập Hiệp định Paris là thông điệp rất quan trọng. Chúng tôi tin rằng Mỹ muốn đảm nhận vai trò thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu… Mỗi quốc gia sẽ phải thực hiện phần việc của mình và áp dụng các chiến lược khác nhau phù hợp với đặc thù của từng quốc gia”.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Italy, quá trình chuyển đổi xanh sẽ ngày càng hiệu quả khi mà các cam kết được thực hiện dựa trên nguyên tắc đa phương và cùng có lợi. Theo đó, các diễn đàn quốc tế sẽ là cơ hội quan trọng cho những nỗ lực chung và đạt được những thỏa thuận cụ thể.
Trước đó, Bộ trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) hôm 6/10 đã nhất trí ủng hộ việc đặt ra các mục tiêu khí hậu theo chu kỳ 5 năm một lần tại COP26 với điều kiện tất cả các bên đều phải thực hiện điều này và các mục tiêu phải nhất quán với luật khí hậu của EU. Một số nước EU, trong đó có Ba Lan, muốn các nước đặt mục tiêu khí hậu trong 10 năm. Hồi tháng 6 vừa qua, các nước thành viên EU đã thông qua luật khí hậu, theo đó đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý trong việc trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và quy định vào năm 2030 cắt giảm ròng ít nhất 55% lượng khí thải so với năm 1990.
Quyết định trên của EU sẽ hỗ trợ vị thế đàm phán của Mỹ, các nước châu Phi và các quốc đảo nhỏ, vốn cũng ủng hộ việc đưa ra các cam kết khí hậu 5 năm/lần. Các nước này cho rằng chu kỳ 5 năm sẽ duy trì áp lực buộc các nước phải đề ra các mục tiêu tham vọng, cũng như giúp theo dõi các nước có thực hiện cắt giảm khí thải đủ nhanh để ngăn chặn thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra hay không, trong khi chu kỳ 10 năm có thể khiến những nước có mục tiêu khí hậu thấp hơn không thể bắt kịp tốc độ chung trong suốt thập kỷ.
Hội nghị Nghị viện trù bị COP26 vừa diễn ra nằm trong chuỗi sự kiện trước thềm COP26 do Italy và Anh đồng chủ tịch. COP26 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1-12/11 tại Glasgow (Vương quốc Anh), quy tụ các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới để cùng phối hợp hành động nhằm thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết năm 2015. Đây cũng được xem là dịp đặc biệt để các nhà lãnh đạo đưa ra các chương trình, kế hoạch cụ thể vào thời điểm thế giới đang đứng trước cuộc khủng hoảng khí hậu nghiêm trọng chưa từng có. Ủy ban Chuyển đổi năng lượng (ETC) - liên minh toàn cầu gồm các giám đốc điều hành cấp cao của 40 nhà sản xuất năng lượng, công ty công nghiệp và tổ chức tài chính - đánh giá COP26 là “chất xúc tác” quan trọng để đưa ra một hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên.
ETC đã đề xuất 6 hành động cần được thông qua tại COP26 và thực hiện ngay để thế giới có được 50% cơ hội hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C và 90% cơ hội kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C. ETC cho biết thêm các hành động này gần như không tốn kém hoặc chi phí thấp và các nước giàu, phát triển có khả năng tự chi trả, trong khi các nước thu nhập thấp nếu cần thực hiện thì các nước giàu phải hỗ trợ chi phí.
Báo cáo của ETC chỉ ra: “Lộ trình 1,5 độ C chưa nằm ngoài tầm với, nhưng chúng ta không còn nhiều thời gian". Theo các nhà khoa học, nếu không có các hành động khẩn cấp nhằm cắt giảm khí thải, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể chạm hoặc vượt ngưỡng 1,5 độ C trong vòng 20 năm. Theo đánh giá của các nhà khoa học, khoảng 40% nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu cho đến nay là do khí methane, chứ không phải do khí CO2. Báo cáo của ETC nhấn mạnh: "COP26 phải được coi là cơ hội để khởi động một sáng kiến nhằm giảm lượng khí thải hằng năm ở mức ít nhất 150 triệu tấn vào năm 2030”.
Theo ETC, trước hết cần ngăn chặn nạn phá rừng và thực hiện tái trồng rừng vì nếu tình trạng phá rừng chấm dứt, đến năm 2030 có thể loại bỏ 3,6 gigatonnes CO2 phát thải hằng năm. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình loại bỏ sản xuất điện than. Theo đó, cần có một thỏa thuận quốc tế về việc không xây dựng các nhà máy than mới. Các nước cũng cần đạt được thỏa thuận cấm bán các loại xe hạng nhẹ động cơ đốt trong vào năm 2035, kết hợp hạn chế sử dụng những loại xe này, hướng tới 20% số ôtô chạy trên đường dùng động cơ chạy điện, nhờ đó giảm 2 gigaton CO2 vào năm 2030. Các phương tiện giao thông nặng, công nghiệp nặng và các tòa nhà cũng cần được khử cacbon nhanh hơn và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Năm 2015, các quốc gia đã đồng ý hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2 độ C và theo đuổi các nỗ lực để giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ hạn chế những tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu. Dự kiến, lãnh đạo các nước sẽ nhóm họp ở Glasgow trong hai tuần đầu tháng 11 tới trong khuôn khổ vòng đàm phán tiếp theo của LHQ về vấn đề biến đổi khí hậu nhằm đưa ra những cam kết tham vọng hơn đối với giới hạn mức tăng 1,5 độ C.