Việt Nam nói gì về việc máy bay Australia bị Trung Quốc chặn trên Biển Đông?
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 9/6 đã trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin máy bay Australia bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối trong không phận thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 9/6, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), không làm gia tăng căng thẳng khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế".
Bà Hằng tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, hôm 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles cho biết, một máy bay tuần sát, săn ngầm P-8A thuộc không quân nước này đã bị một chiến đấu cơ J-16 của Trung Quốc ngăn chặn một cách nguy hiểm trong "hoạt động giám sát biển thông thường" trong không phận quốc tế ở Biển Đông hồi cuối tháng 5.
Theo Bộ Quốc phòng Australia, hành động ngăn chặn này dẫn đến thao tác nguy hiểm đe dọa an toàn đối với máy bay P-8A và phi hành đoàn.
Đáp lại, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi thông tin, máy bay chiến đấu nước này đã chặn một máy bay do thám chống tàu ngầm P-8A của Australia trên Biển Đông hôm 26/5. Ông Đàm Khắc Phi cáo buộc máy bay của Australia đã đe dọa an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, và chính quyền Canberra đã phát tán "thông tin sai lệch".
Gần đây, trả lời về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Australia nghiêm túc tôn trọng lợi ích an ninh quốc gia và lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, hành động và phát ngôn thận trọng để "tránh tính toán sai lầm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".