Việt Nam ghi dấu tích cực trong cộng đồng Pháp ngữ

Thứ Sáu, 04/10/2024, 08:16

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ XIX từ ngày 4 đến 5/10. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tham dự hội nghị, thể hiện sự coi trọng trong hợp tác với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và các nước thành viên.

Năm 1979, Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT), tiền thân của OIF. Có thể nói, tham gia OIF vào thời điểm đó được coi là một trong những bước đi giúp Việt Nam kết nối với cánh cửa mở ra thế giới. Đặc biệt, việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII tại Hà Nội năm 1997 đặt dấu ấn cho con đường hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam, thông qua các hoạt động hợp tác chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa và ngôn ngữ với cộng đồng Pháp ngữ.

Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ ngày càng phát triển tốt đẹp. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định, những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị như Chủ tịch Hội đồng thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ...

Việt Nam ghi dấu tích cực trong cộng đồng Pháp ngữ -0

Những vị trí quan trọng mà Việt Nam đảm nhiệm thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng đối với Việt Nam cũng như uy tín của Việt Nam trong cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cộng đồng Pháp ngữ coi trọng vai trò và những đóng góp của Việt Nam, xem Việt Nam là thành viên chủ chốt, hình mẫu về phát triển kinh tế, xã hội và luôn lấy Việt Nam làm trung tâm trong các hoạt động hợp tác Pháp ngữ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Việt Nam là nước điều phối xây dựng thành công “Chiến lược kinh tế Pháp ngữ giai đoạn 2020-2025”, đồng thời cũng là quốc gia đầu tiên đoàn doanh nghiệp Pháp ngữ đến trong chuỗi hoạt động triển khai chiến lược này.

Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ với nhiều quốc gia thành viên cộng đồng Pháp ngữ. Nhiều quốc gia Pháp ngữ ở châu Phi đang trở thành đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Việt Nam. Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ luôn ổn định và ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn.

Với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, quy mô dân số khoảng 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, cộng đồng Pháp ngữ còn nhiều tiềm năng và dư địa để đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, số hóa/chuyển đổi số. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho hay, với tiềm năng là một quốc gia đang phát triển với hơn 100 triệu dân, Việt Nam được cộng đồng Pháp ngữ và các nước thành viên đặt rất nhiều kỳ vọng. Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, để nâng cao hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ, cần tạo chuyển biến mạnh trong những lĩnh vực then chốt đáp ứng yêu cầu phát triển của cả cộng đồng và mỗi nước, có chính sách hợp tác hướng tới tất các các nhóm thành viên.

Được biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ XIX, nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam thời gian qua. Bài phát biểu cũng góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, luôn sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức, tăng cường, củng cố chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế, đóng góp vào một tương lai “hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững”, như mục tiêu mà hội nghị hướng tới.

Khánh Linh
.
.
.