Việc ghi âm, ghi hình ảnh tại phiên toà phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Thứ Ba, 28/05/2024, 12:18

Để góp phần nâng cao niềm tin đối với thẩm phán; khuyến khích thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định thẩm phán TAND gồm 2 ngạch: Thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán.

Sáng  28/5, tại Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức toà án nhân dân (sửa đổi). Quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp hiện đang được thiết kế 2 phương án và là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

Trình 2 phương án về ghi âm, ghi hình tại phiên toà

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc tòa án xét xử công khai.

lê thị nga.jpg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Tổ chức toà án nhân dân (sửa đổi).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tại phiên tòa, việc ghi âm, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật. Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố, nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… Các thông tin, chứng cứ này cần được hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, kết luận trong bản án, quyết định. Quy định về ghi âm lời nói, ghi hình tại phiên tòa còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho HĐXX điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Do vậy, đa số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý khoản 3, khoản 4 Điều 141 dự thảo luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

hội trường.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Đồng thời, bổ sung quy định: tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn khi cần thiết và việc cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình được thực hiện theo quy định của pháp luật; giao Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.

Ý kiến khác cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, ý kiến này đề nghị giữ như quy định hiện hành. Vì vậy, dự thảo đang thể hiện theo hai phương án trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Thẩm phán TAND có 2 ngạch

Liên quan đến ngạch, bậc thẩm phán, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khác với công chức hành chính khác, thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm, là chức danh tư pháp đặc thù, trực tiếp xét xử và phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Để góp phần nâng cao niềm tin đối với thẩm phán; khuyến khích thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định thẩm phán TAND gồm 2 ngạch: Thẩm phán TAND Tối cao và thẩm phán.

điều hành1.jpeg -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Do dự thảo luật quy định ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán nên cần thiết phải quy định các bậc thẩm phán để xác định thẩm quyền xét xử tại từng cấp tòa án và sắp xếp vị trí việc làm theo Nghị quyết 27 về chính sách cải cách tiền lương…Theo đó, dự thảo luật đề nghị chỉnh lý theo hướng giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về bậc thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.

Vấn đề nữa, theo quy định của dự thảo luật, thẩm phán TAND Tối cao làm việc đến khi nghỉ hưu. Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 5 năm, thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trên là tiếp tục đổi mới về nhiệm kỳ thẩm phán và thể chế hóa Nghị quyết 27. “Quy định này không ảnh hưởng đến sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của thẩm phán; tạo điều kiện để thẩm phán thực sự yên tâm công tác, góp phần bảo đảm nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; giảm thủ tục, thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm lại”, theo cơ quan Thường trực của Quốc hội.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm phán chịu sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định. Thẩm phán có vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị miễn nhiệm, cách chức theo quy định của dự thảo luật. Thẩm phán kết án oan người vô tội thì bên cạnh xử lý trách nhiệm, còn phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

“Quy định thời hạn bổ nhiệm lần đầu 5 năm đối với thẩm phán là cần thiết, bảo đảm thận trọng, giúp thẩm phán tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm”, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm và đề nghị giữ như quy định của dự thảo luật.

Ghi âm, ghi hình tại phiên toà thực hiện như thế nào

Góp ý về việc ghi âm, ghi hình tại phiên toà, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, thực tế cho thấy rất nhiều vụ việc, vụ án được đưa tin tràn lan trên báo chí, mạng xã hội, internet một cách không chính thống. Cùng với đó là các ý kiến trái chiều từ rất nhiều người dùng mạng xã hội, tạo những tác động và áp lực không nhỏ đến người tiến hành tố tụng tham gia vụ án, có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác xét xử, công tác tuyên truyền pháp luật và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cá nhân, quyền con người.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cân nhắc, không nên chỉ giới hạn việc “ghi hình ảnh” mà cần giới hạn cả việc ghi âm. Nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên toà, không chỉ là thời gian khai mạc, tuyên án hay công bố quyết định. Nhưng nếu để người dân tự do ghi âm, ghi hình trong cả quá trình xét xử sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử, vì ít nhiều tạo sự lộn xộn. Hơn nữa, với những phiên toà xử án ly hôn, án kinh doanh, có nhiều bí mật đời tư, bí mật doanh nghiệp, kinh doanh. Nếu ghi âm, ghi hình tràn lan rồi đưa thông tin đã cắt gọt lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các cá nhân, tổ chức liên quan.

nguyen_thi_viet_nga.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại phiên họp.

Cũng bày tỏ đồng tình có quy định ghi âm, ghi hình như dự thảo nhưng đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị chỉnh lý theo hướng: với phóng viên thuộc các cơ quan báo chí ghi âm, ghi hình bị can, bị cáo nếu được sự đồng ý của bị can, bị cáo. “Báo chí ghi âm, ghi hình phải đúng, rõ, chịu trách nhiệm về bản ghi âm, ghi hình của mình. Tổng Biên tập chịu trách nhiệm trong việc sử dụng ghi âm, ghi hình. Như thế đâu ai dám tung tin bậy bạ trên mạng” – đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

phạm văn hoà.jpg -0
Đại biểu Phạm Văn Hoà phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Dương Minh Ánh ủng hộ phương án 1, bởi quá trình xét xử có nhiều thông tin, chứng cứ công bố tại phiên toà cần được HĐXX xem xét, quyết định trong bản án. Hơn nữa, quy định trên cũng đảm bảo sự nghiêm túc của phiên toà, những người tham gia tố tụng không bị phân tâm. “Quy định này cũng không hẹp hơn với quy định tại Luật Báo chí. Vì Luật Báo chí quy định báo chí hoạt động theo quy định của pháp luật thì luật này và luật khác cho đến đâu thì báo chí hoạt động đến đó” – đại biểu Dương Minh Ánh nói, đồng thời đánh giá cao việc bổ sung quy định toà án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) đề nghị chỉnh lý theo hướng: Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ toạ phiên toà. “Trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên toà, phiên họp thì phải có sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ toạ phiên toà, phiên họp” – đại biểu đề xuất.

Cần tránh phát sinh bộ máy, dàn trải nếu thành lập Toà án chuyên biệt

Theo điều 62 dự thảo luật quy định về 3 loại Tòa án sơ thẩm chuyên biệt gồm: TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm chuyên biệt phá sản, góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc thành lập 3 loại Tòa án sơ thẩm chuyên biệt này là cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xét xử.

“Đặc biệt, Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính nếu được thành lập tách biệt hẳn với đơn vị hành chính địa phương thì sẽ đảm bảo tính khách quan hơn trong công tác xét xử, hạn chế được tâm lý nể nang, e ngại của thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính”- đại biểu nêu và đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ điều kiện, tiêu chí thành lập các Tòa án chuyên biệt trong dự thảo luật, chỉ thành lập các Tòa án chuyên biệt theo vùng, theo khu vực, tránh việc thành lập Tòa án chuyên biệt quá nhiều bởi hiện nay, số lượng các vụ án về hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ cũng không quá lớn, chủ yếu tập trung ở đô thị. Nếu thành lập quá dàn trải, vừa không hiệu quả, vừa không đảm bảo tinh thần tinh gọn hệ thống chính trị nói chung.

thuỷ bk.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát. biểu tại phiên họp.

Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, về cơ sở chính trị, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết XIII đặt ra yêu cầu phải tăng cường tính chuyên biệt trong hoạt động xét xử của toà án. Vì vậy, đại biểu đề nghị, trước mắt chỉ nên thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, vì đây là những địa phương có nhiều vụ án; đồng thời, nếu bản án của những tòa án này bị kháng cáo, kháng nghị sẽ do 3 Tòa án cấp cao ở đây xét xử theo trình tự phúc thẩm, như vậy sẽ bảo đảm tập trung nhân lực, vừa hạn chế phát sinh bộ máy, vừa bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao, loại bỏ nguy cơ gây mất tính độc lập của thẩm phán.

Phương Thuỷ
.
.
.