Việc đấu giá biển số xe đẹp không có vướng mắc gì

Thứ Tư, 27/04/2022, 19:25

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp báo quý I do Bộ Tư pháp tổ chức chiều ngày 27/4.

Có thể sẽ sửa các quyền liên quan đến định đoạt biển số xe

Tại cuộc họp,  Bà Nguyễn Thị Mai - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã giải đáp các thắc mắc của báo chí liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe đẹp vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Bà Mai khẳng định: "Việc đấu giá biển số xe đẹp không có vướng mắc gì cả. Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản đã quy định về các loại tài sản được đưa ra đấu giá. Nếu coi biển số xe là một loại tài sản thì pháp luật chuyên ngành phải quy định về bán đấu giá; thay cho việc bốc ngẫu nhiên như hiện nay thì sẽ đấu giá theo trình tự thủ tục của Luật Đấu giá tài sản".

Trước câu hỏi, người trúng đấu giá biển số xe đẹp có được phép mua bán, chuyển nhượng hay không? Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: "Việc này đang được Bộ Công an lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành. Dưới góc độ pháp luật, việc chuyển nhượng biển số xe đang có vướng quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, trong đó cấm việc mua bán chuyển nhượng biển số xe. Vì thế, Bộ Công an phải xây dựng nghị quyết của Quốc hội, việc giải quyết như thế nào sẽ nằm trong nghị quyết, khi đó mới giải quyết được quyền của người trúng đấu giá biển số xe" - bà Mai lý giải đồng thời thông tin thêm, hiện nay Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng, sửa đổi hai luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Vì thế có thể sẽ sửa các quyền liên quan đến định đoạt biển số xe được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Việc đấu giá biển số xe đẹp không có vướng mắc gì -0
Buổi họp báo tại Bộ Tư pháp chiều 27/4.

Đã cấp hơn 7 triệu giấy khai sinh có số định danh cá nhân

Cũng trong chiều 27/4, nhắc đến sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) cho biết, hiện các đơn vị trực thuộc hai bộ vẫn thường xuyên họp để chia sẻ kết nối hai dữ cơ sở dữ liệu. Từ năm 2016 đến nay, hai bên đã phối hợp cấp hơn 7 triệu giấy khai sinh có số định danh cá nhân.

Đại diện Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư Pháp) cho biết thêm: Việc đồng bộ dữ liệu rất quan trọng, vì bản thân dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp có từ năm 2016. Dữ liệu về dân cư lại hình thành sau. Khi hình thành dữ liệu dân cư, tất cả chúng ta đều đã khai báo với phường để cập nhật lên hệ thống. “Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật có một chút lệch. Do đó, chúng tôi đang cố gắng thống nhất, đồng bộ dữ liệu sao cho thống nhất, dữ liệu kết nối sẽ được lưu thông”, vị này thông tin.

Phạm Huyền
.
.
.