Vì sao không quy định “cứng” mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở?
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tuần tới, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Trước ý kiến về việc quy định khung, quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tại dự thảo Luật, Bộ Công an cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở thành lập, bảo đảm kinh phí chi trả chế độ, chính sách.
Nếu quy định “cứng” trong dự thảo Luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế và có thể là áp lực về kinh phí đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách. Về nội dung này trong quá trình hoàn thiện dự án Luật, Bộ Công an cũng đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương thống nhất quy định theo hướng mở như thể hiện trong dự thảo Luật.
Vì vậy, đề nghị không quy định khung, không quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tại dự thảo Luật mà tiếp tục giữ nguyên nội dung đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.