Vì sao khó xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Thứ Sáu, 13/09/2024, 17:47

Hiện nay, việc phát hiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bất cập, vướng mắc về chính sách, pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện... 

Ngày 13/9, tại phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh nêu ý kiến trong Nghị quyết 100 của Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội có yêu cầu Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao chỉ đạo các cơ quan khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số 05 ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và các quy định của pháp luật có liên quan, bảo vệ quyền lợi của người lao động; đồng thời bày tỏ muốn biết việc thực hiện Nghị quyết số 100 kỳ họp thứ 5 của Quốc hội về chất vấn này như thế nào của các cơ quan có liên quan.

Vì sao khó xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp -0
Thứ trưởng Phạm Thế Tùng báo cáo tại phiên họp.

Theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an trả lời cho biết, từ năm 2018 đến năm 2023 lực lượng Công an toàn quốc đã tiếp nhận 378 hồ sơ thông tin kiến nghị xử lý hình sự về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp từ cơ quan bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đến nay mới xử lý được 1 vụ án khởi tố về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể là, ngày 1/3/2024, công an Phú Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố một pháp nhân là công ty Thuận Thông về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, song, do vướng mắc về quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân nên vụ án hiện không khởi tố bị can đối với giám đốc doanh nghiệp, cơ quan điều tra thực hiện quyết định xử phạt tiền đối với doanh nghiệp nêu trên.

Về nguyên nhân của vấn đề trên, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng cho biết, hiện nay việc phát hiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan, chủ quan và bất cập, vướng mắc về chính sách, pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Cụ thể như sau: Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tại Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 50 triệu đến 200 triệu, phạt cải tạo không giam giữ 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, xử lý vi phạm có vướng mắc. Cụ thể,  Nghị định số 12 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định 117 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế còn chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động.

Vì vậy, khi xử lý hình sự theo Điều 216, Bộ luật Hình sự cơ quan điều tra chỉ xử lý được với pháp nhân, không xử lý được với cá nhân. Mặt khác, việc chứng minh được bản chất hành vi của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội còn khó khăn do chưa được lượng hóa rõ ràng, cụ thể trong vi phạm pháp luật. Khó phân biệt được hành vi chậm đóng vì nguyên nhân khách quan với trốn đóng là ý chí chủ quan, dẫn đến khó xác định được yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm và các yếu tố cấu thành tội phạm. Do đó, đến nay cả nước mới khởi tố được 1 pháp nhân, chưa có vụ án nào khởi tố bị can về hành vi trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự.

“Chế tài xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Nghị định 12 của Chính phủ còn nhẹ, không đủ sức để răn đe, đồng thời chưa phân hóa mức độ vi phạm của doanh nghiệp và các cá nhân" - Thứ trưởng Phạm Thế Tùng nhấn mạnh.

Thu Thuỷ
.
.
.