Vì sao Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội chậm tiến độ?

Thứ Ba, 16/08/2022, 18:24

Phó Thủ tướng yêu cầu, việc đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hà Nội và một số bộ, ngành phải ngồi lại với nhau, bàn xem đây là mô hình “khu đô thị đại học”, hay mới chỉ tư duy xây dựng một trường đại học lớn? Nếu là khu đô thị đại học, thì phải tính quy mô sinh viên, nếu là quy mô 50.000 sinh viên thì kèm theo người nhà, giáo viên là bao nhiêu, và phải có quy hoạch ngân hàng, bệnh viện…

Chiều 16/8, tại Hòa Lạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thăm và làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), nghe báo cáo về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo TP Hà Nội…

Theo báo cáo của ĐHQGHN, tính đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN mới giải phóng mặt bằng được 729,39/1000,08 ha trong quy hoạch (đạt 72,9%) và 148,06/225,60 ha ngoài qui hoạch (đạt 65,6%). Dự án tái định cư được khởi công năm 2007, đến nay đã triển khai được một số hạng mục cơ bản, thi công đường nội bộ ở các tiểu khu BC và một phần tiểu khu BA, BE với diện tích 44,4/113,7 ha. Hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới; triển khai lập báo cáo tiền khả thi và lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Việt Nhật bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản; đang triển khai dự án phía bắc khu ký túc xá số 4 theo hình thức hợp tác công tư. Triển khai dự án ĐHQGHN tại Hoà Lạc đã thi công và hoàn thành được nhà công vụ số 1 (20.000m2 sàn), khu ký túc xá (20.000m2 sàn), hoàn thành 2 giảng đường quy mô 35.000m2; 8 tuyến đường hạ tầng khung, 4 tuyến kênh mương, trạm biến áp 110KV và hạ tầng nội khu đáp ứng cho 4.000 sinh viên.

Vì sao Dự án ĐHQGHN chậm tiến độ? -0
GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN báo cáo về tiến độ xây dựng ĐHQGHN.

GS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN cho biết, ngày 19/5/2022 là dấu ấn đặc biệt của ĐHQGHN khi toàn bộ Cơ quan ĐHQGHN chuyển trụ sở làm việc từ 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Theo kế hoạch, năm học 2022 - 2023, ĐHQGHN sẽ có khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc. Từ tháng 9/2022, 450 sinh viên năm thứ nhất các ngành sư phạm của Trường ĐH Giáo dục, 550 sinh viên năm thứ nhất và sinh viên học một số học phần năm thứ hai của Trường ĐH Y Dược, 300 sinh viên Trường ĐH Việt Nhật, 600 sinh viên Trường Quốc tế đã xây dựng kế hoạch đào tạo tại Hòa Lạc. Ngoài ra, sinh viên Trường ĐH Công nghệ và một số đơn vị đào tạo khác dự kiến sẽ học tập một số học phần thực hành, thực tập tại Hòa Lạc.

Cũng theo GS Lê Quân, Dự án ĐHQGHN với 21 dự án thành phần, quy mô khoảng 60.000 sinh viên; diện tích đất khoảng 1.113,7 ha, tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện đến năm 2025. Tuy nhiên đến nay, lũy kế giải ngân cho dự án mới đạt khoảng 3.000 tỷ đồng nên tiến độ dự án chậm nhiều so với kế hoạch.

Tại buổi làm việc, các đơn vị chức năng của ĐHQGHN và lãnh đạo huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã báo cáo Phó Thủ tướng những khó khăn trong việc triển khai dự án xây dựng ĐHQGHN như: Năm 2022, ĐHQGHN được cấp 150 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng nhưng hiện ĐHQGHN mới giải ngân được 7 tỷ. Nhiều hộ dân không nhận đất tái định cư; ĐHQGHN được cấp hơn 1.000 ha nhưng chồng lấn nhiều loại đất; quá trình thu hồi đất vướng nhiều đơn vị quản lý; khó khăn trong xác định nguồn đất…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thì cho rằng, hiện ĐHQGHN mới được cấp hơn 2.000 tỷ/25.000 tỷ thì phải điều chỉnh lại các dự án nhỏ, nhưng khi hỏi ý kiến các bộ, ngành thì các bộ, ngành đều yêu cầu “phải đúng theo quy định pháp luật” – đây chính là một vướng mắc, dẫn đến chậm tiến độ xây dựng dự án. Thêm nữa, dự án triển khai từ năm 2008, đã qua gần 13 năm và đến năm 2025 phải xong, tức là chỉ còn 3 năm nữa, nhưng hiện mới giải ngân được 10%, thì liệu năm 2025 dự án có xong?

Vì sao Dự án ĐHQGHN chậm tiến độ? -0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ĐHQGHN cùng các bộ, ngành, TP Hà Nội phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.

Sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, chính quyền địa phương báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương sự nghiêm túc, trách nhiệm của ĐHQGHN khi dũng cảm chuyển lên Hòa Lạc trong điều kiện rất khó khăn. Phó Thủ tướng yêu cầu, việc đầu tiên ĐHQGHN, TP Hà Nội và một số bộ, ngành phải ngồi lại với nhau, bàn xem đây là mô hình “khu đô thị đại học”, hay mới chỉ tư duy xây dựng một trường đại học lớn? Nếu là khu đô thị đại học, thì phải tính quy mô sinh viên, nếu là quy mô 50.000 sinh viên thì kèm theo người nhà, giáo viên là bao nhiêu, và phải có quy hoạch ngân hàng, bệnh viện…

Phó Thủ tướng yêu cầu ĐHQGHN đã chuyển bộ máy điều hành lên rồi thì dứt khoát phải chuyển giảng đường lên, vì nguyên tắc phải có sinh viên mới thành trường đại học. Phó Thủ tướng yêu cầu ĐHQGHN cần phối hợp với TP Hà Nội xác định rõ ranh giới dự án, chỗ nào còn vướng phải giải quyết xong trong năm 2022. Về các công trình điện, Phó Thủ tướng yêu cầu ĐHQGHN phải làm việc với điện lực bàn thống nhất phương án cấp điện cho hiện tại và tương lai. Về dự án nguồn vốn WB đã có tài sản bảo đảm thì phải cụ thể bao giờ sử dụng nguồn vốn, sử dụng như thế nào, báo cáo Thủ tướng cụ thể. Các dự án mà nguồn do ĐHQGHN tiết kiệm, xoay sở được, thì theo quy định Nhà nước vẫn phải làm như đầu tư công; có vấn đề nào cần cơ chế đặc biệt thì báo cáo Chính phủ. Phó Thủ tướng cũng khẳng định Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm dự án này nên cần đẩy mạnh triển khai…

Thu Phương
.
.
.