Tuần này, Quốc hội chất vấn 4 thành viên Chính phủ
Theo chương trình dự kiến, trong tuần làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV (từ ngày 3 – 8/6/2024), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Nguyễn Văn Hùng là 4 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, thứ Hai, ngày 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; sau đó thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Quốc hội dành cả ngày thứ Ba (4/6); cả ngày thứ Tư (5/6) và sáng thứ Năm (6/6) để chất vấn và trả lời chất vấn. Sau khi Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực TN&MT, tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giao thông Vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, cụ thể là về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chịu trách nhiệm trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Nội dung tập trung vào trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN; giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chính. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực VH,TT&DL, về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao; việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động VH,TT&DL vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trước khi kết thúc phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) sẽ có 90 phút phát biểu, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chiều thứ Năm, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Thứ Sáu (7/6), Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (tối đa 15 phút).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; nghe Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, sau đó thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Thứ Bảy (8/6), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Tiếp đó, Quốc hội họp riêng, thảo luận tại hội trường về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.